Hội nghị Ủy hội sông Mekong Quốc tế thông qua Tuyên bố TP.HCM

Thứ bảy, ngày 05/04/2014

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng đoàn dự hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

>> Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị MRC

Ngày 5-4, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của các Đoàn đại biểu cấp cao 4 nước thành viên của Ủy hội gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và 2 nước Đối tác đối thoại là Trung Quốc, Myanmar cùng đại diện các Đối tác Phát triển, Quan sát viên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong; Thủ tướng Campuchia Samdec Hunsen; Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Thái Lan; Bộ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc; Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar đã dẫn đầu các đoàn đại biểu dự Hội nghị. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng có mặt tại sự kiện này.

Trong bài phát biểu khai mạc Phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mekong. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi các quốc gia thành viên chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định hợp tác Mekong và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 1995.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam rất coi trọng sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu thổ sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, cũng như việc ứng phó với các thách thức an ninh nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu nói chung; mong muốn cùng các nước ven sông tăng cường hợp tác, thúc đẩy vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Các nước thành viên, các đối tác đối thoại, đối tác phát triển đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của của Hội nghị Cấp cao; đề cao vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế và mong muốn Ủy hội tiếp tục được củng cố, hoàn thiện các cơ chế hợp tác khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, đối thoại giữa các nước ở hạ lưu vì mục tiêu phát triển bền vững sông Mekong. Là nước Đối tác đối thoại của Ủy hội, Trung Quốc và Myanmar khẳng định ủng hộ và đánh giá cao hợp tác với Ủy hội sông Mekong và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như giao thông thủy, chia sẻ thông tin.

Với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mekong”, Hội nghị đã thảo luận về những vấn để nổi bật hiện nay trong hợp tác Mekong, trong đó có việc đảm bảo an ninh nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên khác của sông Mekong trước áp lực phát triển kinh tế xã hội cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng đã rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010 và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy việc quản lý, sử dụng và phát triển bền vững sông Mekong, trong đó có việc chuẩn bị xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020 của Ủy hội.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và cam kết thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mekong năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội. Các thành viên cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, tăng cường vai trò của Uỷ hội sông Mekong quốc tế hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mekong.

Tuyên bố đã xác định 06 lĩnh vực hoạt động ưu tiên và 06 định hướng cho hoạt động hợp tác của Ủy hội trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào việc tăng cường thực hiện các Thủ tục của Uỷ hội, rà soát cập nhật các kế hoạch chiến lược, đẩy mạnh các dự án nghiên cứu đánh giá tác động, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông Mekong. Các thành viên cũng nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng kiến khu vực và quốc tế có liên quan, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016-2020 của Ủy hội.

Trước đó, vào ngày 02-03/4/2014, là chủ nhà của Hội nghị, Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an ninh lương thực tại lưu vực xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Khoảng 300 đại biểu đến từ các nước Mekong, lãnh đạo và đại diện cấp cao của 20 tổ chức lưu vực sông xuyên biên giới ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ đã tham dự Hội thảo./.

Theo TTXVN