Hội nghị trực tuyến về xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật
(BDO) Sáng 24-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2016-2020 và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Dương
Thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành 92.799 văn bản. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong giai đoạn 2016-2020 đều giảm so với giai đoạn 2011-2015, thể hiện định hướng hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành; tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương đã thảo luận về các vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chúng ta phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể. Hội nghị đã góp phần đưa công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.
Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội. Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Tin, ảnh: Quỳnh Như