Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
(BDO) Sáng 25-4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022.
Tại điểm cầu Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 18 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 326 trận giông, lốc sét, 170 trận lũ quét, sạt lở đất, 139 trận động đất, 403 điểm sạt lở nguy hiểm… Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).
Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
Năm 2022, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong cả năm 2021.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật, với 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Thiên tai tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT-TKCN. Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai như: Hệ thống giám sát, quan trắc, dự báo thiên tai; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai; đồng thời bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai.
Mặt khác, các bộ, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.
Tin, ảnh: Thoại Phương