Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chủ nhật, ngày 23/10/2022

(BDO) * Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm

Sáng 23-10, tại hội trường Trung ương Đảng đã diễn ra hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đầu cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng kết nối từ thủ đô Hà Nội đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh:  Báo Nhân Dân

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Hội nghị.  Ảnh: Báo Nhân Dân

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Trưởng các Ban xây dựng Đảng, trưởng các cơ quan, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy Vùng Đông Nam bộ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo  Nhân Dân

Về phía tỉnh Bình Dương, dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương có đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Điểm cầu Bình Dương được kết nối đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương

Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như trong vùng Đông Nam bộ để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng Đông Nam bộ. Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước. Đây là hội nghị thứ 4 về phát triển vùng.

Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 của vùng cao nhất cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo những nội dung chủ yếu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 24 NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ mục tiêu: Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Vùng Đông Nam bộ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á; giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Mục tiêu đến năm 2030 của Vùng Đông Nam bộ là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%; đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủ ly sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương

Tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến mục tiêu Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. TP.Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, củng cố vững chắc.

Để đạt được mục tiêu trên Nghị quyết xác định 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu gồm: Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương trình bày báo cáo tham luận. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đồng chí Võ Văn Minh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tham luận và các kiến nghị, đề xuất để phát triển vùng Đông Nam bộ đạt mục tiêu đề ra. Đồng chí Võ Văn Minh đã chia sẻ thành tựu phát triển của tỉnh sau 25 năm hình thành và phát triển. Theo đó, tỉnh đã đạt những thành tựu to lớn, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD/năm. Tỉnh cũng đã xây dựng 6 chiến lược trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Bình Dương xác định sẽ thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị phía Nam hiện nay, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu hướng đến trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học - công nghệ để lại không gian phía Nam cho phát triển đô thị - dịch vụ và thương mại. Điều này đồng nghĩa Bình Dương sẽ tận dụng tốt được lợi thế của các đường vành đai và giao thông đường thủy đang được các địa phương trong vùng Đông Nam bộ khẩn trương triển khai thực hiện để hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại.

Qua đó, Bình Dương sẽ hình thành nên mảnh ghép cần thiết trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng như tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho vùng trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực...

Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét, phân bổ nguồn lực biên chế phù hợp, tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển của tỉnh để đáp ứng các nhu cầu phát triển hiện tại của địa phương; sớm sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư công cũng như hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai (giá trị đền bù, nguồn gốc đất…), Luật Ngân sách nhà nước (phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp), Luật Xây dựng (phân cấp cơ quan thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở…) theo nguyên tắc bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng để tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của quốc gia.

Phương Lê