Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết: Bảo đảm Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống
(BDO) Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.
Đây là nhấn mạnh của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi tham luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 7/3.
Quang cảnh hội nghị.
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, trong năm 2024, dự kiến ban hành các nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về quỹ phát triển đất; Quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Quy định về giá đất; Quy định chi tiết về đất trồng lúa; Quy định về lấn biển; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Các thông tư hướng dẫn được quy định trong Luật về các nội dung: Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Quy định về Thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Quy định về Hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; Quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, tập trung vào sự phù hợp của các nghị định, thông tư hướng dẫn với Luật về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành... bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2024; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống pháp luật.
Tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai...
Sau khi Luật được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 nghị định và 4 thông tư.
Đối với các nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì chuẩn bị, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, gửi lấy ý kiến của các địa phương, bộ ngành, tổ chức có liên quan, đồng thời tổ chức Hội nghị tại các vùng, miền để lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo Nghị định. Các thông tư đã được các cơ quan khẩn trương xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong tháng 5/2024, riêng đối với Nghị định về hoạt động lấn biển sẽ được trình trong tháng 3/2024 theo trình tự thủ tục rút gọn để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác để trình cấp có thẩm quyền sớm nhất đảm bảo theo tiến độ.
Theo TTXVN