Hội nghị Thượng đỉnh EU nóng với thuế và năng lượng

Thứ tư, ngày 22/05/2013

Theo các chuyên gia, 2 chủ đề lớn được thảo luận tại Hội nghị có thể là bước chuẩn bị để EU đưa ra các quyết sách lớn về sau.

Ngày 22-5, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại Bỉ với hai nội dung chính là chính sách năng lượng và chống trốn thuế. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ phải nỗ lực tìm ra được những biện pháp và hành động cụ thể để giải quyết vấn đề này.

  Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy cười với các phóng viên truyền hình tại Hội nghị thượng đỉnh EU. Phát biểu trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy cho biết, Liên minh châu Âu tổ chức thảo luận hai vấn đề này để đảm bảo rằng, tất cả các chính sách của EU đóng góp đầy đủ cho khả năng cạnh tranh, việc làm và tăng trưởng của các thành viên trong khối.

Người đứng đầu Hội đồng châu Âu cho biết, tình trạng trốn thuế phổ biến hiện nay đang làm cho EU tổn thất đã lên tới 1.000 tỷ Euro (1.300 tỷ USD) tương đương với toàn bộ sản lượng kinh tế hàng năm của Tây Ban Nha, và vượt xa khoản cam kết 400 tỷ Euro trong kế hoạch giải cứu các thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Síp trong những năm tới.

"Trốn thuế là không công bằng đối với tất cả những người dân đang làm việc chăm chỉ và đã thanh toán đầy đủ các phần thuế của họ. Và cũng hoàn toàn không công bằng đối với các công ty đã nộp thuế, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với những người trốn thuế".

Có thể nói, vấn đề về trốn thuế đang gây nhức nhối trong Liên minh châu Âu. Trước thực trạng này, Nghị viện châu Âu (EP) đã ra một nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu hành động để giảm một nửa mức thiệt hại này vào năm 2020; cụ thể, siết chặt các lỗ hổng về thuế và quản lý chặt chẽ hơn những nơi được xem là thiên đường trốn thuế.

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu  kêu gọi xây dựng danh sách đen các địa điểm là thiên đường trốn thuế của EU. Uỷ ban châu Âu (EC) cũng thúc giục giới chức ngành thuế các nước Liên minh châu Âu xây dựng cơ chế trao đổi tự động dữ liệu về thu nhập của người dân nước mình. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso kêu gọi EU  nên đặt mục tiêu xây dựng xong cơ chế này vào ngày 1-1-2015.

Ngoài vấn đề thuế Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này còn tập trung nhiều vào vấn đề năng lượng, bàn thảo các chính sách năng lượng mới của châu Âu và việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu trong ngành công nghiệp năng lượng.

Uỷ ban châu Âu thúc giục chính phủ các nước Liên minh châu Âu thực thi bộ luật năng lượng đã được thống nhất vào năm 2011 và cảnh báo rằng xu hướng nhập khí đốt hiện nay sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU vào năm 2035 tăng thêm 80%. Chính phủ các nước Liên minh châu Âu cũng thúc giục phải minh bạch hơn nữa thuế nhập khẩu năng lượng.

EU hiện chi 406 tỉ Euro mỗi năm cho việc nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá – tương đương với 3,2% GDP của toàn EU. Giải thích cho lý do đặt vấn đề năng lượng ưu tiên trong chương trình nghị sự, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu đã ví von, năng lượng như ôxy của nền kinh tế. Nguồn năng lượng với giá cả phải chăng chắc chắn sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng và công ăn việc làm, đồng thời giúp ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo các nhà phân tích, chủ đề thuế có thể sẽ khó có khả năng đạt được đột phá do có 2 thành viên EU là Áo và Luxembour vẫn chưa đồng ý dỡ bỏ các hạn chế trong việc đấu tranh chống gian lận thuế và trong bảo mật ngân hàng”.

Ông Semeta, Uỷ viên của Uỷ ban châu Âu về chính sách thuế cho biết: “Điều quan trọng là trong chương trình nghị sự tại cuộc họp Thượng đỉnh của EU cần phải duy trì một áp lực mạnh mẽ đối với Áo, và Luxembourg để họ  phải tuân theo những quy định chung của EU trong việc chia sẻ thông tin về các cá nhân, tổ chức gửi tiền ngân hàng”.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, với hai chủ đề lớn được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, đây có thể là bước chuẩn bị để EU đưa ra các quyết sách lớn về sau”.

Theo VOV