Hội nghị quốc tế Rome hối thúc chấm dứt xung đột ở Libya
(BDO)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni tại hội nghị. (Nguồn: Reuters)
Ngày 13-12, Italy và Mỹ đã chủ trì hội nghị quốc tế ở Rome (Italy) nhằm hối thúc các phe cánh chính trị đối địch của Libya nhanh chóng tiến tới ký kết một thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ.
Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni, người đồng cấp Mỹ John Kerry, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler cùng 18 quan chức ngoại giao cấp cao các nước châu Âu và Arab đã có mặt tại trụ sở Bộ Ngoại giao Italy ở thủ đô Rome.
Sau cuộc đàm phán quốc tế vào sáng cùng ngày, các nhà ngoại giao dự kiến sẽ gặp đại diện các phe cánh chính trị Libya để hối thúc họ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở quốc gia Bắc Phi này.
Ông Gentiloni nhấn mạnh, sau khi các đại diện chính trị của Libya nhất trí ký thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian hôm 9-12, cuộc đàm phán tại Rome thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao tháp tùng ông Kerry cho hay cuộc đàm phán này sẽ “đưa ra khuôn khổ và bản ghi nhớ về lễ ký kết” dự kiến sẽ diễn ra ở Maroc.
Phương Tây lo ngại rằng nếu không có một chính quyền trung ương được quốc tế công nhận, trong khi giao tranh giữa các phe phái vẫn tiếp diễn thì Libya một lần nữa có khả năng lại trở thành một điểm khởi đầu chính của những người tị nạn và di cư muốn tới châu Âu. Libya có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song kể từ tháng 8-2014.
Trước đó ngày 11-12, ông Martin Kobler cho biết sau khi kết thúc các cuộc hội đàm tại Tunisia, các phe phái đối địch Libya đã nhất trí ký thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ vào ngày 16-12.
Liên hợp quốc đã đứng ra bảo trợ cho các cuộc đàm phán trong suốt một năm qua để hai chính phủ đối địch ở Libya và các nhóm vũ trang chấm dứt xung đột.
Các quan chức Mỹ và Italy đều cho rằng đây là thời điểm để chấm dứt bất đồng giữa hai chính phủ đối đầu cũng như các phe phái chia rẽ tại quốc gia châu Phi này.
Tuy nhiên, một số ý kiến cảnh báo rằng việc đẩy Libya vào một tiến trình do nước ngoài làm trung gian có thể càng làm gia tăng sự phản kháng đối với thỏa thuận trên, thậm chí phá vỡ những nỗ lực hòa bình trong tương lai./.
Theo TTXVN