Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ tư, ngày 11/02/2015

Sáng 11-2, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cho cán bộ pháp chế và báo cáo viên pháp luật. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cán bộ pháp chế, báo cáo viên đến từ các đơn vị và UBND cấp huyện.

(BDO)

Hội nghị tập trung thảo luận những nội dung liên quan đến Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Bộ luật dân sự năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14-6-2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của Bộ luật dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, Bộ luật dân sự hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) có 6 phần, 26 chương và 712 điều. So với Bộ luật dân sự năm 2005, Dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Hội nghị đã thông qua 6 chuyên đề gồm: Sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi); Những nội dung cơ bản của Phần quy định chung; Những nội dung cơ bản của Phần quyền sở hữu và các vật quyền khác; Những nội dung cơ bản của Phần nghĩa vụ và hợp đồng; Những nội dung cơ bản của Phần thừa kế; Những nội dung cơ bản của Phần pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Tại hội nghị, đại diện Sở Tư pháp tỉnh đã hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng như tổng hợp ý kiến, báo cáo cũng như thảo luận một số nội dung liên quan đến Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Theo đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5-1-2015 và kết thúc vào ngày 5-4-2015. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân có thể gửi ý kiến đóng góp của mình đến Bộ Tư pháp trước ngày 20-9-2015.

TÂM TRANG