Hội nghị Ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024
(BDO)
Ngày 11-10-2024, tại TP.Phú Quốc (Kiên Giang), Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trì Hội nghị Ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam năm 2023 và 9 tháng năm 2024, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2024.
Trong 9 tháng năm 2024, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cùng với đó, sự linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp trong cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường… nên hoạt động Công thương được duy trì và phát triển.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Kim Cúc
Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, năm 2023 các các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhìn chung ổn định, sản xuất vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam có mức tăng khá so với năm 2022. 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 1,5%).
Cụ thể: Trà Vinh +28,65%; Kiên Giang +13,32%; Bình Phước +10,36%; Hậu Giang +10,23%; An Giang +9,05%; Tây Ninh +9,03%; Bạc Liêu +8,54%; Bến Tre +8,38%; Long An +7,15%; Đồng Tháp +6,12%; Đồng Nai +5,27%; Tiền Giang +5,12%; Bình Dương +4,92%; Thành phố Hồ Chí Minh +4,30%; Cần Thơ +3,82%; các tỉnh, thành còn lại đều thấp hơn mức trung bình cả nước.
9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%). Cụ thể: Trà Vinh +44,56%; Bình Phước +16,90%; Kiên Giang +13,67%; Tây Ninh +13,43%; Vĩnh Long +12,50%; Bến Tre +11,32%.
Về hoạt động thương mại, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 3.179,347 nghìn tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,02% so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện 137,755 tỷ USD, giảm 6,84% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 38,75% so với cả nước. Các địa phương có mức tăng trưởng so cùng kỳ như: Tiền Giang +33,52%; Bạc Liêu +17,21%; Bình Phước +8,75%; Kiên Giang +7,89%;... Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 121,286 tỷ USD, giảm 10,04% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 37,03% so với cả nước.
9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.442,330 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Có 12/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của khu vực như: Kiên Giang +22,96%; Cà Mau + 19,27%; Long An +16,98%; An Giang +15,23%; Sóc Trăng +15,06%; Bình Thuận +14,27%; Vĩnh Long +13,98%; Bà Rịa - Vũng Tàu +13,75%; Bình Phước +13,51%; Bình Dương, Đồng Nai +13,20%; Trà Vinh +12,56%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện ước đạt 108,427 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ.
Một số tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, gồm: Tây Ninh +48,90%; Vĩnh Long +32,46%; Trà Vinh +28,56%; Bình Phước +21,12%; Đồng Tháp +20,49%; Hậu Giang +15,04%; Long An +14,98%; Bà Rịa – Vũng Tàu +14,11%; Bến Tre +14,02%; Sóc Trăng +11,65%; Bình Dương +11,21%; TP. Hồ Chí Minh +10,20%; … Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 96,41 tỷ USD, tăng 10,66% so với cùng kỳ.
Đến hết tháng 9-2024, toàn khu vực có 186 cụm công nghiệp, tổng diện tích 8.498 ha; trong đó, 111 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút khoảng 1.618 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 73.809 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 162.810 lao động.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương; đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực. Các doanh nghiệp cũng trao đổi về các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực…
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương phát biểu về vấn đề chuyển đổi số của ngành Công thương tại hội nghị. Ảnh: Kim Cúc
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành Công thương khu vực phía Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn như: cơ cấu lại các ngành công nghiệp thời gian qua, thực hiện chưa đạt yêu cầu; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển mạnh; trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp còn chậm được đổi mới, việc đổi mới chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tình hình triển khai và bố trí vốn đầu tư một số công trình đường dây điện còn chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn phân bổ hàng năm cho chương trình củng cố lưới điện, ngầm hóa hệ thống điện… còn hạn chế.
Việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO của một số hiệp định FTA (Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định CPTPP) vẫn là thách thức lớn cho hàng hóa trong nước cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh... phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã của các tỉnh/thành.
hất lượng hàng hóa tuy đã được cải thiện nhưng chưa đồng đều, chưa đa dạng chủng loại kiểu dáng, nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội và tận dụng triệt để những lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam đã ký kết của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay chưa theo kế hoạch chung, thiếu sự đồng bộ, có sự chồng chéo, trùng lặp chưa đạt hiệu quả cao; chưa phối kết hợp gắn kết giữa các địa phương với nhau để thực hiện một chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn…
Lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Kim Cúc
Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế, hội nghị đã đề ra các giải pháp để ngành Công thương khu vực phía Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2024 và phương hướng năm 2025 như sau:
1. Về lĩnh vực công nghiệp
iếp tục phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm đối tác sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn, trung hạn cũng như trong dài hạn.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản,...
Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, CCN đã quy hoạch. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư vùng nguyên liệu tại chỗ phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp chế biến,... nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
2. Về lĩnh vực thương mại
Phối hợp với các sở, ngành ở địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa,…
Phối hợp thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá thông qua các kênh thương mại điện tử.
Tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ, tạo lập các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời quan tâm khai thác tối đa tiềm năng thị trường trong nước.
3. Về lĩnh vực năng lượng
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn từng tỉnh, thành phố Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025, thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/TTg ngày 8-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện sinh khối) và dự án điện khí LNG. Tích cực phối hợp với Công ty Điện lực và các địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt như: dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia; các công trình điện phục vụ các cụm, tuyến dân cư trên địa bàn; điện phục vụ các khu - CCN;
Đề xuất Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hỗ trợ đầu tư cấp điện tại các tuyến trọng yếu, bức xúc trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện ngầm hóa hệ thống điện trung, hạ thế tại khu vực đô thị thành phố, thị xã; triển khai cải tạo, đầu tư phát triển lưới điện trung thế và trạm biến áp theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố đã được phê duyệt...
Hội nghị cũng diễn ra nghi thức bàn giao đăng cai cho Sở Công thương tỉnh Long An tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XI – năm 2025.
Trao cờ luân lưu tại hội nghị. Ảnh: Kim Cúc
Kim Cúc – Văn phòng Sở