Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản: Cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp

Thứ sáu, ngày 01/11/2019

(BDO)

Đại biểu tham quan các gian hàng tham gia tại hội nghị. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Kết nối thị trường

Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Đến nay, ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, nông nghiệp chỉ còn chiếm dưới 3%. Tuy nhiên, nền nông nghiệp tỉnh nhà đang phát triển theo xu hướng hiện đại với nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đô thị tạo ra sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Vì vậy, theo đánh giá, hội nghị lần này góp phần tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm công - nông nghiệp - dịch vụ theo hướng phát triển liên kết bền vững, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển theo xu hướng nền kỹ nguyên số và thời đại công nghiệp mới. Hội nghị cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các đơn vị cá nhân, trang trại, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh giao lưu, giới thiệu các mô hình, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh để liên kết vùng miền nhằm mục tiêu tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản tỉnh năm 2019 giữa Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận không chỉ dừng lại ở khâu kết nối cung cầu mà đã trở thành một kênh liên kết giữa các thành phần kinh tế hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư, tổ chức phân phối hàng hóa theo hình thức chuyên nghiệp. Ông kỳ vọng hội nghị năm nay tiếp tục sẽ tìm được mối liên kết, thị trường tiêu thụ ổn định, tạo động lực hướng đến xây dựng Bình Dương thành vùng thông minh trong tương lai.

Hội nghị còn góp phần thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại nói chung, mở ra nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp, liên kết và phát triển mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết việc tổ chức hội nghị kết nối cung cầu đã giúp các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đây là lần thứ hai hợp tác xã tham gia hội nghị. Thông qua hội nghị giúp hợp tác xã có cơ hội ký kết thêm hợp đồng với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản năm 2019 có 3 hoạt động chính: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hội nghị kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; chương trình hỗ trợ - kết nối tiêu thụ và tư vấn trực tiếp về các giải pháp ứng dụng trong doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và kết nối thương mại điện tử; nâng cao giá trị sản phẩm và tối ưu quy trình sản xuất bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain; tạo và nâng cao giá trị sản phẩm qua việc thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm. Dịp này, các đại biểu cũng trao đổi những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp các doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, thêm cơ hội kết nối tiêu thụ và tìm kiếm đối tác khách hàng.

Bà Võ Thị Hải Vân, Giám đốc Công ty Thảo Dược Vương (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), cho biết công ty chuyên cung cấp nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư xám, nấm đông trùng hạ thảo, nấm mối thái, bào tử nấm linh chi. Các sản phẩm này được công ty sản xuất với chu trình khép kín, từ nguyên liệu sạch chọn lựa nhằm tạo ra sản phẩm an toàn đối với khách hàng. Qua hội nghị lần này giúp công ty học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị bạn; đồng thời công ty có thêm cơ hội trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, kết nối tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm đối tác khách hàng…

Ông Phan Văn Bách, quản lý Trang trại Chiến Thắng (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo), bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều chương trình kết nối, xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất có thêm cơ hội mở rộng thị trường, liên kết, ký kết tìm kiếm cơ hội giao thương.

Theo ban tổ chức, hội nghị lần này là nơi kết nối các doanh nghiệp sản xuất với nhau, doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp nắm bắt xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, tìm được đầu ra sản phẩm ổn định để mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhà phân phối; tìm được nguồn hàng chất lượng để yên tâm mở rộng thị trường.

Thông qua hội nghị nhằm tạo cơ hội, mối liên kết cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã, hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu… được gặp gỡ trực tiếp trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường. Hội nghị cũng là dịp tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bằng phương thức truyền thống kết hợp với hiện đại (thương mại điện tử, kinh tế số). Qua đó thiết lập, củng cố và phát triển mối liên kết giữa nhà sản xuất và cung ứng với các kênh phân phối trong và ngoài nước; đồng thời quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Bình Dương đến các đối tác và bạn bè quốc tế

THOẠI PHƯƠNG

Từ khóa: