Hội nghị gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và nhà đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh: Tạo sự an tâm cho cộng đồng doanh nghiệp
Sáng qua (7-10), UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước trên địa bàn. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, cùng sự tham gia của đại diện các sở, ngành có liên quan. Tại đây, những vấn đề băn khoăn, vướng mắc mà cộng đồng DN đề đạt đã được đại diện UBND tỉnh cũng như các bên có liên quan giải đáp, tháo gỡ, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư...
(BDO)
Ông Trần Thanh Liêm (thứ 2 từ phải qua), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng trao đổi với đại diện các Hiệp hội Ngành hàng và Doanh nghiệp đầu tư trong nước sáng ngày 7-10. Ảnh: X.THI
Kiến nghị nhiều vấn đề cấp bách
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 hiệp hội ngành hàng và 1 hội xuất khẩu. Các hiệp hội ngành hàng khi được thành lập đã có những hoạt động tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng trong quá trình hoạt động của mình, các hiệp hội ngành hàng liên tục có những vấn đề khó khăn cần được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Tại hội nghị, nhiều băn khoăn, thắc mắc của DN kiến nghị đến các sở, ngành có liên quan đã được giải đáp kịp thời, tạo sự hài lòng cao đối với đại diện các hiệp hội ngành hàng và DN trong nước. Đại diện Hiệp hội chế biến gỗ kiến nghị, Cục Thuế tỉnh cần tham mưu cho Tổng cục Thuế, Chính phủ có chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với máy móc, thiết bị ngành gỗ để tạo tài sản cố định, giúp DN thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Về vấn đề này, tại hội nghị, đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, căn cứ vào quy định chính sách, pháp luật về thuế hiện hành, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường, không có quy định nào miễn giảm thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị mua sắm. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh ghi nhận nội dung kiến nghị của hiệp hội và sẽ tiếp tục rà soát, chọn lọc, tổng hợp và tham mưu, báo cáo các cấp cao hơn xem xét giải quyết kịp thời.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương kiến nghị, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cần kiểm soát và ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận thương mại các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Trả lời kiến nghị này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh nói, căn cứ vào Chương trình công tác năm 2016 của Sở Công thương, chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh, trong thời gian qua chi cục đã tích cực, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện hàng loạt vụ việc sai phạm và có hướng xử lý tích cực, tạo niềm tin cho DN và người dân trên địa bàn.
Đối với vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng đang trở thành mối quan tâm chung của nhiều hiệp hội ngành hàng lẫn DN tại Bình Dương trong dịp này. Các hiệp hội dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ điện... đều mong muốn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét điều chỉnh quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội phù hợp giúp DN giảm chi phí đầu vào để ổn định và phát triển sản xuất. Giải đáp vấn đề này, theo đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong quá trình thực hiện Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đơn vị luôn lắng nghe để nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tế nhằm bảo đảm cho DN hoạt động hiệu quả để tồn tại và phát triển. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ kịp thời có kiến nghị với cấp thẩm quyền những giải pháp giúp DN trong thời gian tới.
Đẩy mạnh hỗ trợ DN
Tại hội nghị, còn nhiều vấn đề được cộng đồng DN trong tỉnh quan tâm, phản ánh và mong muốn UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho DN ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh. Những vấn đề này đều đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan giải đáp tại hội nghị cũng như ghi nhận để tiếp tục trả lời bằng văn bản về sau. Điều này đã tạo sự hài lòng cho các đại biểu tham gia và tạo niềm tin lớn đối với DN khi làm ăn, phát triển tại địa phương.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương chia sẻ: “Qua 3 giờ đồng hồ tham dự hội nghị, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng với cách điều hành, trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các sở, ngành. Điều này cho thấy, Bình Dương thực sự cầu thị, luôn lắng nghe và chia sẻ những khó khăn cùng DN trên địa bàn”. Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương cũng có nhiều điều tâm đắc: Rõ ràng, hội nghị lần này được tổ chức thực sự rất có ý nghĩa đối với cộng đồng DN trong tỉnh. Đây không chỉ là dịp để DN kịp thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc đến UBND tỉnh mà ở chiều ngược lại, các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng có cái nhìn khách quan, toàn diện và sâu sát hơn đối với từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc lần này là dịp rất quan trọng để UBND tỉnh lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các hiệp hội ngành hàng, các DN đầu tư trong nước trên địa bàn. Ông Liêm lưu ý, trong thời gian tới, các DN cần chủ động hội nhập, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và sản xuất, kinh doanh cũng như chấp hành tốt các chính sách, pháp luật, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người lao động... Đối với các ngành, các cấp trong tỉnh, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; cùng với đó tăng cường hỗ trợ cho DN quảng bá sản phẩm, động viên, hướng dẫn kịp thời cho DN tiếp cận các nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Về phía tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Song song đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ DN trên địa bàn.
Cần sớm kiến nghị xem xét lại một số quy định tại Thông tư 130/2016/BTC của Bộ Tài chính
Tại hội nghị, Thông tư 130/2016/BTC của Bộ Tài chính tiếp tục trở thành vấn đề nóng đối với các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp (DN); đặc biệt là ngành gốm sứ, một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Ông Mai Hữu Tín cho biết, tinh thần của Thông tư 130 là hết sức đúng đắn, cần thiết khi khuyến khích các ngành nghề đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại nhiều ngoại tệ hơn cho đất nước. Chỉ tiếc rằng, khi soạn thông tư này, đội ngũ biên soạn đã “bỏ quên” quyền lợi của ngành gốm sứ. Điều này là rất nguy hiểm đối với sự tồn vong của các DN gốm sứ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. “Chúng tôi hoàn toàn cảm thông với hoàn cảnh của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương hiện nay. Vì năm 2015, ngành logistics của chúng tôi cũng gặp tình huống tương tự khi Bộ Tài chính ra quy định logistics không được hoàn thuế kho ngoại quan ở khu phi thuế quan. Khi đó, ngay lập tức chúng tôi phải kiến nghị nhiều cấp, nhiều ngành để tháo gỡ khó khăn”, ông Tín nói.
Đồng quan điểm với ông Mai Hữu Tín, đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, nếu xét về bản chất của các quy định tại Thông tư 130 thì khá tốt, nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cho đất nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại quên mất sự tác động tiêu cực lớn đối với ngành gốm sứ. Trong trường hợp này, nếu thực hiện đúng tinh thần Thông tư 130, thiệt hại đối với DN gốm sứ là cực kỳ lớn. Bởi lẽ, nếu DN gốm sứ không được hoàn thuế GTGT theo quy định thì giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, tự làm suy yếu khả năng cạnh tranh của DN nội. Chính vì thế, Cục Thuế tỉnh sẽ có những kiến nghị kịp thời lên các cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉnh sửa nội dung Thông tư 130 cho thật phù hợp.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, vấn đề đặt ra cấp thời trước mắt chính là phản ứng mạnh mẽ của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cũng như các ngành có liên quan. Bởi kỳ họp Quốc hội sắp tới đã đến gần (ngày 20-10). Chính vì thế, mọi sự chậm trễ sẽ rất bất lợi cho cộng đồng DN.
M.NGUYỄN
KHÁNH VINH