Hội nghị gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước: Tạo thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển

Thứ tư, ngày 01/08/2018

(BDO) Sáng 31-7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cùng hàng trăm đại diện DN đầu tư trong nước tại tỉnh Bình Dương. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của các nhà đầu tư trong nước để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp hơn, giúp các DN an tâm sản xuất.

Ông Lý Ngọc Minh, đại diện Hiệp hội gốm sứ Bình Dương, nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: KHÁNH VINH

Giải đáp thỏa đáng ý kiến của DN

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã thông báo tình hình mời gọi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đến nguồn vốn đầu tư trong nước, đây là nguồn lực nội tại quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã thu hút thêm 11.062 DN đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 95.391 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch về số lượng DN và 87% kế hoạch về vốn đăng ký trong giai đoạn 2016-2020.

7 tháng qua, toàn tỉnh đã thu hút được 32.152 tỷđồng vốn đầu tư trong nước đăng kýkinh doanh, trong đó gồm 3.042 DN đăng kýmới và610 DN điều chỉnh tăng vốn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 33.811 DN đầu tư trong nước đăng ký hoạt động với tổng số vốn là 269.000 tỷ đồng.

Nhờ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả của cộng đồng DN trong nước nên đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh trong 7 tháng qua đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể trong số này, kim ngạch xuất khẩu của các DN trong nước chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng chủlực như gỗ, dệt may, da giày, gốm sứ.

Bên cạnh đó, thời gian qua các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN, nhà đầu tư trong nước đãtriển khai thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xãhội đối với người lao động, nỗlực vượt qua khó khăn và chia sẻ, đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương thực hiện tốt công tác từ thiện - xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động xa quê đang sinh sống vàlàm việc tại tỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, DN trong nước đầu tư tại tỉnh đã nêu ra nhiều ý kiến. Đó đều là những băn khoăn, trăn trở của đại diện các hiệp hội ngành hàng, DN trong nước cần được tháo gỡ ngay để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN diễn ra thuận lợi hơn trong thời gian tới. Trong suốt buổi đối thoại, các vấn đề nêu ra về thể chế, chính sách, môi trường đầu tư cũng như những ưu đãi, trợ lực từ Nhà nước đối với DN tư nhân đều đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan giải đáp, tháo gỡ kịp thời. Riêng những vấn đề vượt thẩm quyền cho phép của địa phương, lãnh đạo tỉnh tiếp thu và sẽ kiến nghị lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Tiếp tục đồng hành cùng DN

Có thể nói, Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và DN đầu tư trong nước vào sáng qua diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành. Các giải đáp thắc mắc cũng như tiếp nhận thông tin phản hồi từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành cũng nhanh gọn, chính xác, làm hài lòng đại diện các đại biểu tham gia. Qua đó niềm tin của nhà đầu tư và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được củng cố. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương, bày tỏ: “Cá nhân tôi đã nhiều lần tham dự các hội nghị gặp gỡ DN. Cũng như những lần trước, tại buổi gặp gỡ hôm nay các kiến nghị của chúng tôi đều được giải đáp, giải quyết tại chỗ. Chúng tôi hết sức hài lòng về môi trường đầu tư tại Bình Dương”.

Có thể khẳng định, Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và DN đầu tư trong nước đã đạt mục tiêu đề ra là gặp gỡ, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ phía các hiệp hội ngành hàng vàcộng đồng DN trong nước đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đây, không chỉ cộng đồng DN đầu tư trong nước có cái nhìn khách quan, đồng cảm hơn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền tỉnh, mà các cấp, các ngành của tỉnh sẽ cùng với DN tìm ra những giải pháp thiết thực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN trong nước phát huy tiềm năng, nâng cao hiệu quả, lợi thế cạnh tranh, đồng thời phát triển thuận lợi và hội nhập quốc tế thành công.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ghi nhận và cảm ơn các lãnh đạo hiệp hội ngành hàng vàcộng đồng DN đầu tư trong nước đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vì những đóng góp hết sức thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của tỉnh nhàthời gian qua. Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh luôn mong muốn các hiệp hội vàcộng đồng DN trong nước sẽ tiếp tục đồng hành và chia sẻ với chính quyền tỉnh Bình Dương đểgiải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh; cùng với đó chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng kịp thời yêu cầu của DN và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương.

Chia sẻ tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam, cho biết trong những năm trước đây, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh luôn cao hơn rất nhiều so với vốn đầu tư trong nước. Điều này thể hiện qua con số gần 31 tỷ USD vốn FDI đã đầu tư vào tỉnh, trong khi vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đến nay mới đạt khoảng 262.831 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 7 tháng năm 2018, cán cân thu hút vốn đầu tư vào tỉnh đã có sự dịch chuyển rất rõ, với khoảng 850 triệu USD vốn FDI, vốn đầu tư trong nước 26.900 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Sở dĩ có sự dịch chuyển này là vì định hướng đầu tư của tỉnh thời gian qua đã có những thay đổi nhất định. Cụ thể, khi thu hút vốn FDI, tỉnh đã lựa chọn cẩn trọng các nhà đầu tư uy tín, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tiếp tục nâng cao chất lượng đầu tư.

Mặt khác, Bình Dương mong muốn phát triển kinh tế tư nhân một cách bền vững, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh đã tăng vọt lên đến gần 34.000 doanh nghiệp, gần tiệm cận với mức 50.000 doanh nghiệp vào năm 2020 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “giao chỉ tiêu” khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Có thể nói, Bình Dương rất quan tâm phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam, vấn đề không phải nằm ở số lượng mà còn ở chất lượng đối với khối doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh. Một vấn đề nữa mà ông rất trăn trở là sự giao thoa, kết hợp làm ăn để tạo ra chuỗi giá trị bền vững giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ hết mình, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các nhà đầu tư FDI lẫn trong nước có tiếng nói chung, đồng hành phát triển trong thời gian tới.

KHÁNH VINH

 

Từ khóa: