Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 10
Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á hàng năm lần thứ 10 (AMS10) khai mạc sáng 29-5 tại TP Manado, Indonesia.
Hội nghị do Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) và Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Indonesia đăng cai tổ chức. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 29-30/5 với 10 phiên họp và thảo luận về các vấn đề, giải pháp mang tính định hướng đối với tương lai của ngành phát thanh-truyền hình trong bối cảnh thị trường báo chí đang chịu nhiều tác động từ sự phát triển nhanh và đa dạng của xã hội cũng như công nghệ hiện đại.
Hơn 500 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo, quản lý cao cấp, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực phát thanh truyền hình đến từ các khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông tham dự hội nghị với chủ đề “Hành động vì tương lai của phát thanh truyền hình”.
Toàn cảnh hội nghịĐây cũng là dịp kỷ niệm 10 năm ra đời của Hội nghị cấp Cao Báo chí châu Á (AMS) kể từ Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2014.
Tiếp nối các chủ đề đã được thảo luận trong các hội nghị cấp cao gần đây, AMS 10 sẽ là diễn đàn chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những kết quả nghiên cứu và đề xuất những giải pháp để ngành phát thanh-truyền hình có thể phát triển vững mạnh trong bối cảnh phải chịu nhiều áp lực từ những biến động và thay đổi nhanh chóng ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực hội tụ sự khác biệt rõ rệt về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.
Những thay đổi trong đời sống xã hội dẫn tới những thay đổi nhanh chóng và đa dạng về nhu cầu thông tin của công chúng, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của công nghệ kỹ thuật số, đặt ra những yêu cầu đòi hỏi báo chí nói chung và ngành phát thanh-truyền hình nói riêng phải có những bước chuyển mạnh mẽ về từ công nghệ đến các yêu cầu về sản xuất chương trình, tiếp cận công chúng theo nhiều hướng mới, để có thể phát triển bền vững và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Dương Tân Nguyên - Giám đốc AIDB đã phân tích những thay đổi về xã hội và đối tượng công chúng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay và những đòi hỏi mà công chúng đặt ra với báo chí và nhận định “tương lai của ngành phát thanh –truyền hình nhiều thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn”.
Nhiệm vụ của những nhà hoạch định chính sách, những nhà lãnh đạo báo chí tại hội thảo chính là tìm ra con đường đi cho ngành phát thanh truyền hình để đến với sự phát triển bền vững, với việc tăng cường vai trò của báo chí trong các hoạt động vì cộng đồng.
Trong 2 ngày thảo luận, các đại biểu sẽ thảo luận một số chủ đề như truyền thông trong xã hội phát triển đa dạng; báo chí có thể đóng vai trò như thế nào để thúc đẩy hành động vì sự phát triển bền vững; nâng cao nhận thức về truyền thông; những phương thức hoạt động nào phù hợp với đạo đức báo chí; tăng cường các giá trị của phát thanh-truyền hình…
Tại lễ khai mạc sáng nay, Giải thưởng Truyền hình quốc tế (World TV Award) cũng đã được trao cho nhóm tác giả của Hãng Phát thanh Truyền hình ABC-Australia và nhóm tác giả của Đài Truyền hình Fiji với các tác phẩm về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng Ozon.
Theo VOV