Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một: Dân vận khéo từ những mô hình thiết thực
(BDO) Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã tích cực triển khai phong trào thi đua Dân vận khéo với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Gắn với học tập, làm theo Bác
Bà Phạm Thị Hương Lan, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Hòa, cho biết hội có 9 chi hội với tổng số 2.740 hội viên. Ngay sau khi có hướng dẫn của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, hội đã triển khai sâu rộng phong trào đến tận cơ sở, từng hội viên phụ nữ với các nội dung cơ bản như tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động... về công tác vận động quần chúng, xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Các buổi tập huấn, tuyên truyền được hội lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của từng chi, tổ hội, sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB), các cuộc họp dân đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
Từ phong trào Dân vận khéo, Hội LHPN phường Phú Hòa đã vận động trao tặng nhà đại đoàn kết cho hội viên phụ nữ khó khăn về nhà ở. Ảnh: T.B
Theo đó, hội đã triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng mô hình Dân vận khéo với chủ đề “Dân vận khéo trong chỉnh trang đô thị gắn với thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, giúp nhau xóa đói giảm nghèo” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trên cơ sở đó, hội đã tập trung chỉ đạo và hướng dẫn hội viên thực hiện có hiệu quả các mô hình như mô hình “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Vườn rau dinh dưỡng tại nhà”, “CLB Tự quản về vệ sinh môi trường”, “CLB phân loại rác thải tại nguồn”, “CLB phòng chống tệ nạn xã hội”, “CLB an toàn giao thông, trật tự đô thị”, tổ phụ nữ phòng chống ma túy, tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình...
Trong thực hiện mô hình “Vườn rau dinh dưỡng gia đình”, mỗi gia đình hội viên đã biết tận dụng khoảng đất trống trong vườn để trồng cây xanh, rau xanh, sạch, nhiều hộ còn trồng rau xanh cả trong chậu, thùng xốp, cải tạo vườn tạp thành vườn quang sạch, đẹp, có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, thông qua các CLB bảo vệ môi trường, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã nâng cao rõ rệt. 100% các gia đình có thùng rác tại cổng để phân loại rác, nhà cửa luôn sạch sẽ, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường. Một số gia đình đã biết tận dụng các chất thải tái sử dụng được như bao ni-lông, hộp nhựa dùng để đựng rác, chai nhựa, lon bia, giấy... được phân loại và bán phế liệu, góp phần tăng thu nhập. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động làm đường giao thông, trong năm 2015, đã có 37 hộ hội viên phụ nữ đóng góp số tiền 100 triệu đồng để bê tông hóa hai đường hẻm ở tổ 3 và 3A; 7 triệu đồng đổ đá 10m đường thuộc khu phố 9...
Giúp nhau cùng vươn lên
Trong phong trào Dân vận khéo, tại các chi hội cơ sở trực thuộc Hội LHPN phường Phú Hòa còn vận động hội viên tham gia tiết kiệm bằng phong trào “nuôi heo đất”, “hũ gạo tình thương”… Hội còn duy trì mô hình giúp nhau không tính lãi bằng nhiều hình thức như bán gối đầu, giúp con giống, cây giống, tiền mặt... Trong tháng 6 vừa qua đã có 5 chị khá giúp cho 6 chị khó với số tiền 343 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hội cũng duy trì 21 tổ xoay vòng vốn với 378 thành viên, hàng tháng xoay vòng được hơn 90 triệu đồng, 10 tổ tiếp sức với 60 thành viên, 15 tổ tiết kiệm với 180 thành viên. Những số tiền tiết kiệm được sử dụng để giúp đỡ những hội viên khó khăn bằng hình thức cho vay không tính lãi và hỗ trợ đột xuất cho các gia đình hội viên gặp khó khăn... giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh việc giúp chị em phát triển kinh tế, hội còn vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm, các ban, ngành, đoàn thể đóng góp để xây dựng Quỹ mái ấm tình thương hỗ trợ nhà ở cho các hội viên khó khăn; thường xuyên đỡ đầu cho 4 em học sinh nghèo hiếu học, 4 hội viên phụ nữ nghèo với số tiền 400.000 đồng/người/ tháng; giới thiệu việc làm cho 13 chị trong độ tuổi lao động vào làm tại các công ty trên địa bàn; duy trì 6 tổ may gia công như may vải vụn, làm hàng len, đan khung lưới, bút chì tạo việc làm thêm cho 113 chị nhàn rỗi góp phần cải thiện cuộc sống từ 1.500.000 - 3.000.000 đồng/ tháng. Ngoài ra, hàng năm hội còn phối hợp với các cán bộ, chiến sĩ trường Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ra quân phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy, đắp bờ bao hai bên bờ của đường thoát nước thuộc khu vực Bưng Bịp (Suối Cát) góp phần ngăn chặn tình trạng sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng...
Theo bà Phạm Thị Hương Lan, trong quá trình làm công tác dân vận, bản thân mỗi cán bộ, hội viên phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của chị em; đồng thời phải nắm chắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ những mô hình thiết thực, hội đã huy động được sự tham gia của mọi tầng lớp phụ nữ, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động, sự đồng thuận của chị em hội viên tại các chi tổ hội ở cơ sở trong phong trào Dân vận khéo.
TÂM BÌNH