Hội LHPN tỉnh: Tạo động lực giúp phụ nữ khởi nghiệp
Tại hội nghị trao đổi giữa cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh với doanh nghiệp (DN) nữ, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) do nữ quản lý, cán bộ, hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức mới đây, nhiều hội viên phụ nữ, nữ chủ DN nhỏ trong tỉnh đã được tiếp cận những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách về khởi nghiệp.
(BDO)
Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp
Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này trong khởi nghiệp ở chị em phụ nữ cũng còn là vấn đề băn khoăn. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” là đề án còn tương đối mới mẻ. Đa số cán bộ hội là những người làm công tác phong trào, ít khởi nghiệp, kiến thức về khởi sự kinh doanh còn bỡ ngỡ. Do đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi giữa lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh với hội viên phụ nữ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 với khoảng 200 chị em phụ nữ là những hội viên đã và đang có ý tưởng và dự án kinh doanh khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp đang rất cần sự đồng hành của các tổ chức xã hội. Trong ảnh: Mô hình khởi nghiệp của phụ nữ trong Tổ liên kết rau màu xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Ảnh: THANH LÊ
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết tới đây, sở sẽ thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động kết nối và tư vấn miễn phí cho tất cả những cá nhân có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Bà Đinh Sao Mai, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ: “Quỹ bảo vệ môi trường là một tổ chức tài chính Nhà nước do UBND tỉnh Bình Dương thành lập vào năm 2009. Qua 10 năm thành lập, quỹ đã hỗ trợ cho 74 dự án của doanh nghiệp với số tiền là 300 tỷ đồng. Vốn hoạt động của quỹ hiện tại là 177 tỷ đồng. Đối tượng được vay là mọi pháp nhân, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương có dự án đầu tư xử lý nước thải, rác thải, chất thải rắn; dự án sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường; dự án đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thông thường; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để thu gom nước thải”…
Để tạo một hệ sinh thái cho chị em, hội viên phụ nữ tự tin khởi nghiệp, nhiều đại biểu tại hội nghị đã chia sẻ thông tin về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017- 2020; nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp do đơn vị quản lý (hỗ trợ máy móc...); chia sẻ thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong thời gian gần đây; thủ tục đăng ký kinh doanh; hoạt động kết nối, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; trao đổi về cơ chế, chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế... Hội nghị còn giới thiệu một số nguồn vốn vay như nguồn quỹ môi trường, quỹ hỗ trợ phát triển kinh doanh hợp tác xã, quỹ hỗ trợ nông dân, vốn giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay DN vừa và nhỏ, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Đồng hành cùng phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018- 2025” trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện đề án đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, nổi bật như chị Lương Thị Nhị, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo. Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị luôn quan tâm tới cán bộ, chi tổ trong triển khai hước dẫn hoạt động công tác hội. Từ đó, chị đã tiến hành thành lập HTX may gia dụng với 7 thành viên được Liên minh HTX tỉnh công nhận và đã đi vào hoạt động. Hiện thu nhập sau khi trừ chi phí của HTX là khoảng 30 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 20 chị em phụ nữ với mức lương trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/ tháng… Còn chị Trần Thị Kim Hồng, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An với ý tưởng khởi nghiệp “nuôi trồng nấm linh chi” để bán chữa trị bệnh và làm đẹp, chị đã mạnh dạn đầu tư cùng sự hỗ trợ tích cực của gia đình và đem lại kết quả khả quan, giúp ổn định kinh tế gia đình…
Tuy nhiên, trên thực tế số lượng chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp vẫn còn hạn chế. Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Bình Dương có nhiều thuận lợi, nhiều điều kiện, có nhiều nguồn quỹ, hội nên làm cầu nối giúp các chị em phụ nữ cùng phát triển. Hội LHPN cần làm tốt vai trò kết nối để chị em nắm bắt được chính sách, giúp chị em tiếp cận được nguồn vốn phát triển, kết nối để trang bị kiến thức ở các lĩnh vực kinh doanh… Các chị em có ý tưởng khởi nghiệp rất cần sự đồng hành của các tổ chức xã hội.
THANH LÊ