Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bế mạc Khóa họp lần thứ 31
(BDO)
Đại sứ Nguyễn Trung Thành tại một phiên họp Hội đồng Nhân quyền. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Trong hai ngày 23-24/3, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 40 nghị quyết, quyết định và tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 31.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm Trưởng đoàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận 26 dự thảo liên quan đến nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao, như thực hiện các quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, quyền lao động, quyền lương thực, quyền văn hóa và đa dạng văn hóa, tăng cường hợp tác quốc tế về nhân quyền, quyền trẻ em và công nghệ thông tin, tự do và khoan dung tôn giáo, hoặc về khía cạnh quyền con người trên nhiều vấn đề toàn cầu đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế như di cư, chống khủng bố, các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trong số đó, có các nghị quyết về tình hình tại một số nước cụ thể như Myanmar, Triều Tiên, Nam Sudan hoặc về hỗ trợ kỹ thuật về quyền con người tại một số quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh.
Đồng thời, sau nhiều phiên tranh luận thẳng thắn, 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu để thông qua 14 dự thảo khác, đáng chú ý là các nghị quyết liên quan đến tình hình tại Syria, Iran, các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, vấn đề biểu tình, nợ nước ngoài, các quỹ bất hợp pháp, các cá nhân và tổ chức liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Trên cơ sở quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Trung Thành và Đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, tích cực đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua các nghị quyết, quyết định của Khóa 31 trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp và thực tiễn quốc tế cũng như các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của các quốc gia, khu vực.
Khi xem xét các dự thảo liên quan đến tình hình nhân quyền nước cụ thể, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã có một số phát biểu chuyển tải thông điệp chung của Việt Nam là Hội đồng Nhân quyền cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng, kiên trì tìm các giải pháp cân bằng và thỏa đáng đối với những bất đồng, tránh để Hội đồng Nhân quyền bị chính trị hóa làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng.
Ngoài việc tham gia tích cực vào việc thương lượng, đóng góp nội dung cho tất cả các dự thảo, Việt Nam đã trực tiếp bảo trợ các nghị quyết về thực hiện các quyền kinh tế- văn hóa-xã hội, về quyền văn hóa và đa dạng văn hóa, quyền làm việc, về quyền lương thực, đều đã được Khóa 31 Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận.
Khóa họp thường kỳ lần thứ 31 được tổ chức từ ngày 29/2 đến 24/3/2016, mở đầu cho các hoạt động chính thức của Hội đồng Nhân quyền cho đến cuối năm 2016, là năm Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền đầu tiên trong lịch sử (2014 – 2016).
Trong 4 tuần họp, Đoàn Việt Nam đã có nhiều phát biểu tại các phiên chính thức về các vấn đề khác nhau, thể hiện quan điểm quốc gia, hoặc thay mặt ASEAN với tư cách Điều phối viên ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền năm 2016.
Bên cạnh các phát biểu, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Trung Thành cũng đã thay mặt Nhóm Nòng cốt về biến đổi khí hậu và quyền con người điều hành Cuộc thảo luận cấp cao của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền y tế, và điều hành Tọa đàm quốc tế về môi trường làm việc của người khuyết tật.
Dự kiến Khóa họp thường kỳ tiếp theo của Hội đồng Nhân quyền sẽ được tổ chức từ ngày 13.6 – 1.7.2016 tại Geneva, Thụy Sĩ./.
Theo TTXVN