Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) Libya được "hợp thức hóa"
HĐBA LHQ đã bật đèn xanh
Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với việc phong tỏa tài sản và cấm vận vũ khí đối với Libya, đồng thời thành lập Phái bộ của LHQ tại Libya (UNSMIL). Nghị quyết cũng quyết định dỡ bỏ phong tỏa tài sản và các biện pháp khác nhằm vào Tập đoàn Dầu lửa quốc gia Libya và Công ty Dầu mỏ Zueitina, nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Libya, Ngân hàng Ngoại thương Arập Libya, Cơ quan Đầu tư Libya và Quỹ Đầu tư châu Phi của Libya. Nghị quyết tuyên bố tiếp tục duy trì vùng cấm bay tại Libya, nhưng cho phép các nước cho máy bay của Libya hạ cánh - một tín hiệu bật đèn xanh để các hãng hàng không Libya nối lại hoạt động.
UNSMIL có nhiệm vụ khôi phục an ninh công cộng, hướng dẫn, khuyến khích áp dụng luật pháp tại Libya, đảm nhiệm các cuộc đối thoại chính trị, thúc đẩy hòa giải dân tộc, xúc tiến soạn thảo hiến pháp và tiến trình bầu cử, thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế.
Hiện có khoảng 90 quốc gia công nhận NTC, lực lượng đã lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, Liên minh Châu Phi (AU) tới nay vẫn từ chối thừa nhận NTC và gắn điều này với một lộ trình, yêu cầu thiết lập một chính phủ đa đại diện tại quốc gia Bắc Phi này.
Ai sẽ lãnh đạo Libya?
Theo nhiều nguồn tin, hôm nay (18-9) giới chức Libya sẽ bổ nhiệm một chính phủ chuyển tiếp mới. Tuy nhiên tới lúc này, một chính quyền mới của Libya được chờ đợi là sẽ dựa trên thành phần của NTC, vốn được thành lập từ đầu tháng 3 tại thành trì Benghazi. Chủ tịch NTC Libya Mustafa Abdul Jalil, cựu Bộ trưởng Tư pháp, giành được sự ủng hộ của khu vực phía Đông Libya, đang được chú ý. Một gương mặt khác cũng xuất hiện khá nhiều trước báo chí là ông Mahmoud Jibril, nhân vật thứ hai trong NTC. Ông Jibril là người đưa ra các quyết định hàng ngày để điều hành NTC. Tuy nhiên, chưa có ai trong hai người trên thực sự có đủ uy tín chính trị để lãnh đạo đất nước.
Một đêm, 354 người thiệt mạng
Ngày 17-9, người phát ngôn của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gaddafi, ông Moussa Ibrahim cho hãng tin Reuters biết các cuộc không kích hơn 30 quả tên lửa của NATO vào thành phố Sirte suốt đêm 16-9 đã đánh trúng một tòa nhà dân cư và một khách sạn lớn, làm hơn 354 người thiệt mạng, 89 người hiện mất tích và gần 700 người bị thương. Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn chưa được xác nhận do phần lớn thông tin liên lạc tại Sirte, quê hương của ông Gaddafi, đã bị cắt đứt. NATO chưa đưa ra bình luận nào. Ông Ibrahim cho biết nhà lãnh đạo Gaddafi hiện vẫn ở Libya và đang lên kế hoạch tấn công trả thù lực lượng ủng hộ NTC tại các thành lũy còn lại. Cũng theo ông Ibrahim, chỉ trong vòng 17 ngày qua đã có hơn 2.000 người dân thành phố Sirte thiệt mạng trong các vụ không kích của NATO.
Trong khi đó, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi cho biết họ đã gây thương vong lớn cho các tay súng của NTC tại Bani Walit và sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài.
Theo SGGPO