Hỏi đáp về Luật Tiếp cận thông tin
(BDO) Hỏi: Quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tiếp cận thông tin được quy định như thế nào?
Trả lời: Trong quá trình thực thi quyền tiếp cận thông tin, có thể xảy ra trường hợp cơ quan Nhà nước hoặc công chức cung cấp thông tin không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật Tiếp cận thông tin, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Vì vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu cung cấp thông tin, Luật Tiếp cận thông tin của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định cơ chế khiếu nại, khởi kiện.
Nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật Tiếp cận thông tin của nước ta cũng quy định người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện các cơ quan cung cấp thông tin từ cấp bộ trở xuống và các cơ quan đầu mối cung cấp thông tin, gồm Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ.
Các trường hợp khiếu nại, khởi kiện liên quan tới việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, có thể là: Người yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối cung cấp thông tin mà lý do từ chối không phù hợp với các căn cứ quy định tại luật; thông tin được cung cấp không phải là thông tin mà người yêu cầu đề nghị; thông tin được cung cấp không đầy đủ, không chính xác nhưng không được cung cấp lại; quá thời hạn xem xét, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin mà chưa được cung cấp thông tin hoặc chưa nhận được thông báo của cơ quan được yêu cầu về lý do gia hạn; người yêu cầu phải trả chi phí tiếp cận thông tin trái với quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, luật cũng quy định công dân có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin (khoản 2 Điều 14). Việc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính (khoản 3 Điều 14 Luật Tiếp cận thông tin).
Hỏi: Luật đặt ra trách nhiệm bồi thường trong thực hiện tiếp cận thông tin là cần thiết để tăng cường trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và cán bộ đầu mối đối với nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân, là biện pháp để công dân yêu cầu cơ quan Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cơ quan Nhà nước có hành vi vi phạm. Công dân có nghĩa vụ gì khi sử dụng thông tin đã tiếp cận?
Trả lời: Khi nhận được thông tin đã tiếp cận, công dân phải sử dụng thông tin theo đúng lý do, mục đích khi yêu cầu. Việc kiểm soát đối với quá trình sử dụng, quản lý, lưu giữ thông tin của người yêu cầu không được pháp luật quy định cụ thể và cũng không giao cho cơ quan Nhà nước nào theo dõi, đánh giá hoặc xử lý.
Tuy nhiên, xuất phát từ các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và các quy định về các hành vi bị cấm tại luật, công dân phải bảo đảm sử dụng thông tin được cung cấp theo nhu cầu của mình, quản lý và khai thác thông tin phù hợp và không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm, như sử dụng thông tin đã tiếp cận để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; sử dụng thông tin đã được tiếp cận nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức. Do đó, khi công dân thực hiện một trong các hành vi vi phạm điều cấm thì sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
SỞ TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG