Hỏi đáp về đấu giá tài sản
(BDO) Hỏi: Người có tài sản đấu giá chỉ là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản có đúng không?
Trả lời: Không đúng. Bởi vì, người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản có bị pháp luật nghiêm cấm hay không?
Trả lời: Có. Luật Đấu giá tài sản có quy định nghiêm cấm đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.
Hỏi: Người có tài sản đấu giá có bắt buộc phải thông báo công khai tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản hay không?
Trả lời: Có. Tại Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 8-2-2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có quy định: Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với đầy đủ tiêu chí quy định tại Điều 3 và Phụ lục I ban hành kèm theo thông tư này.
Hỏi: Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá là gì?
Trả lời: Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá là:
- Thông báo công khai việc lựa chọn, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí lựa chọn và chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
- Xem xét, xác minh thông tin phản ánh về việc tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn.
- Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn và kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản kèm theo kết quả xác minh trong trường hợp tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn.
- Trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định pháp luật có liên quan (Điều 8, Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 8-2-2022).
Hỏi: Sau khi tham gia một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện X, anh A nhận thấy việc tổ chức đấu giá thiếu minh bạch, có nhiều sai phạm làm ảnh hưởng tới kết quả đấu giá (không niêm yết việc đấu giá tài sản; tổ chức đấu giá tài sản không ban hành quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho cuộc đấu giá này trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản…). Vậy trong trường hợp này, anh A có được quyền tố cáo các sai phạm này hay không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 76 Luật Đấu giá tài sản, công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, nếu anh A phát hiện ra các sai phạm trong hoạt động đấu giá tài sản thì anh hoàn toàn có quyền tố cáo các sai phạm này tới các cơ quan có thẩm quyền.
SỞ TƯ PHÁP