Hỏi - đáp về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
(BDO) Hỏi: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Đáp: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Hỏi: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?
Đáp: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực Nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Hỏi: Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV là bao nhiêu? Việc dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV quy định như thế nào?
Đáp: Tại cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV được bầu là 500 đại biểu.
Căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Hỏi: Việc phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do cơ quan nào dự kiến và theo căn cứ nào?
Đáp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở sau đây:
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;
- Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.
Hỏi: Số người được giới thiệu ứng cử là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?
Đáp: Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định như thế nào?
Đáp: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo nguyên tắc:
- Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 30.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu;
- Tỉnh không thuộc trường hợp quy định nêu trên có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu;
- Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu;
- Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bầu 105 đại biểu.
Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được quy định như thế nào?
Đáp: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được thực hiện theo nguyên tắc:
- Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;
- Huyện không thuộc trường hợp quy định nêu trên và quận có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;
- Thị xã có từ 70.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 70.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;
- Thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.
Hỏi: Việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được thực hiện như thế nào?
Đáp: Căn cứ vào số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân ở từng đơn vị hành chính dự kiến tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị mình.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính, trên cơ sở tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ hợp lý số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
Việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm các chỉ tiêu sau:
- Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không dưới 10%;
- Phấn đấu có số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) không dưới 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp;
- Phấn đấu có ít nhất 30% đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ trước tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021;
- Việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ở các đơn vị hành chính cấp dưới, các thôn, tổ dân phố cần bảo đảm tương quan hợp lý về dân số giữa các đơn vị này.
Các chỉ tiêu về tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số như câu 35.
Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để bố trí làm đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và bảo đảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Còn tiếp)