Hỏi - đáp về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ hai, ngày 14/03/2016

(BDO) Hỏi: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh?

Đáp: - Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Hỏi: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện?

Đáp: - Cử tri là người tạm trú có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký tạm trú xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Hỏi: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử cả 3 cấp đại biểu Hội đồng nhân dân?

Đáp: - Cử tri là người thường trú tại địa phương được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử cả 3 cấp đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ nếu có nơi đăng ký thường trú, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Hỏi: Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu vì các lý do khác nhau thì ghi tên vào danh sách cử tri ở đâu để thực hiện quyền bầu cử?

Đáp: Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Hỏi: Quyền bầu cử của những công dân bị tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo được quy định như thế nào?

Đáp: Công dân đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, bị tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi bị mất quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?

Đáp: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện có cùng phạm vi địa giới hành chính với cơ quan lập danh sách cử tri. (Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12).

Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 104 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 như sau: Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày (Theo quy định tại Điều 104 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12).

Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn kiện. Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa xét xử. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị. Tòa án phải gửi ngay bản án, quyết định đình chỉ vụ án cho đương sự và Viện Kiểm sát cùng cấp. (Theo quy định tại Điều 168, Điều 169 và Điều 172 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12).

Hỏi: Quy định cụ thể về việc tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố được quy định như thế nào?

Đáp: Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố gửi giấy mời tham dự hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố.

Thành phần mời dự hội nghị gồm:

- Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình;

Số lượng cử tri tham dự hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự;

- Toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận;

- Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố;

- Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; đối với phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì mời đại diện Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường.

Thủ tục tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:

- Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì hội nghị cử tri, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu dự hội nghị; giới thiệu mục đích, yêu cầu của hội nghị; giới thiệu thư ký hội nghị để hội nghị quyết định;

- Người chủ trì hội nghị đọc thông báo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu thành phần người của thôn, tổ dân phố được giới thiệu ứng cử; đọc tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và những trường hợp không được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Đại diện Ban công tác Mặt trận đọc danh sách do Ban công tác Mặt trận dự kiến những người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Cử tri có thể giới thiệu thêm người ứng cử để hội nghị xem xét;

- Hội nghị thảo luận về những người được giới thiệu ứng cử;

- Hội nghị quyết định danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử của thôn, tổ dân phố bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu từ 3 đến 5 người.

Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì Tổ kiểm phiếu đếm, tính kết quả biểu quyết đối với từng người.

Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, thì phiếu tín nhiệm của cử tri phải đóng dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc dấu của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ và tên của những người được hội nghị cử tri dự kiến giới thiệu ứng cử. Nếu có nhiều người ứng cử thì ghi rõ họ và tên của những người ứng cử, xếp theo vần chữ cái A, B, C… Cử tri gạch tên người ứng cử mà mình không tín nhiệm và bỏ vào hòm phiếu.

Người được giới thiệu ứng cử là người được trên 50% cử tri có mặt tín nhiệm;

- Tổ trưởng Tổ kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết;

- Hội nghị thông qua biên bản hội nghị (theo mẫu số 04/BCĐBHĐND-UBTVQH).