Hỏi, đáp liên quan đến quy định pháp luật về bầu cử

Thứ bảy, ngày 22/05/2021

(BDO) Hỏi: Quyền bầu cử của công dân được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định” và quy định tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật này”. Như vậy, việc bỏ phiếu bầu cử là quyền của công dân.

Hỏi: Cử tri có thể nhờ người khác đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 không?

Trả lời: Theo quy định Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 nêu rõ nguyên tắc bỏ phiếu như sau: “Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri”.

Như vậy, công dân không được nhờ người khác bỏ hộ phiếu bầu cử. Trừ trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Hoặc trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Hỏi: Cử tri bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở đâu? Vào thời gian nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2021/TT-BNV ngày 11-1- 2021 hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thì tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương, như: Nhà văn hóa, hội trường, trường học... và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu, tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, thì việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ tối cùng ngày.

SỞ TƯ PHÁP