Hỏi đáp chính sách tiền lương
(BDO) Hỏi: Tôi có một số vấn đề xin được hỏi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội: Công ty TNHH 2 thành viên nhận vốn góp của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vậy công ty có thể áp dụng quy định về chế độ lương, thù lao, tiền thưởng cho Hội đồng thành viên, Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 58 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (trong đó bao gồm cả công ty có vốn góp của Nhà nước) được quyền quyết định thù lao, tiền lương và thưởng của thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong công ty theo kết quả và hiệu quả kinh doanh. Theo đó, công ty trở lên có vốn góp của Nhà nước được quyền quy định chế độ tiền lương, cơ chế trả lương của công ty hoặc vận dụng các quy định của Nhà nước (Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ) để trả lương, thù lao, tiền thưởng cho Hội đồng thành viên, Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên tại công ty.
Riêng đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có vốn góp chi phối của Nhà nước, theo quy định tại khoản 9, Điều 10 Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ thì các cơ quan, tổ chức là đại diện vốn Nhà nước tại công ty chỉ đạo người đại diện vốn căn cứ vào nội dung quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP, tham gia quyết định hoặc đề xuất với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên để quyết định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty cho phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm quản lý chung của Nhà nước.
Hỏi: Một công ty TNHH hỏi về việc xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động của công ty?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012 thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Căn cứ quy định nêu trên và nội dung phản ánh của công ty thì việc xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động làm việc theo chế độ nửa ngày (4 tiếng/ngày) được tính như đối với người lao động làm việc trọn thời gian (8 tiếng/ngày). Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề nghị công ty TNHH này căn cứ vào thực tế làm việc cho công ty theo hợp đồng lao động để thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định.
P.V