Hỏi đáp chính sách lao động - việc làm
Hỏi: Tôi làm ở Công ty TNHH Nhà nước MTV. Ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch, tôi phải đi làm, công ty không trả lương mức 300% mà chỉ bố trí nghỉ bù, vậy tôi được nghỉ bù mấy ngày?
Trả lời: Theo trình bày của bà, Công ty TNHH Nhà nước MTV huy động người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch nhưng không trả lương làm thêm giờ mà chỉ bố trí nghỉ bù. Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định việc nghỉ bù khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ mà chỉ quy định nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần khi trùng ngày nghỉ lễ và nghỉ bù sau khi làm thêm 7 ngày liên tục; người sử dụng lao động phải trả lương làm thêm giờ khi tổ chức làm thêm vào ngày nghỉ lễ theo đúng quy định của Điều 97 Bộ luật Lao động.
Hỏi: Công ty tôi có người lao động (NLĐ) sinh ngày 5-7-1955, đến ngày 31-7-2015 đủ tuổi nghỉ hưu. Công ty làm thủ tục nghỉ chế độ như quy định và sẽ ký hợp đồng lao động xác định thời hạn mới với lao động này từ ngày 1-8-2015. Tôi muốn biết, việc áp dụng thời giờ làm việc đối với NLĐ cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu được thực hiện như thế nào? Hợp đồng lao động ký từ ngày 1-8-2015 có được áp dụng rút ngắn 1 giờ làm việc/ngày không?
Trả lời: Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ- CP quy định: “Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với NLĐ cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu” được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.
Theo như ông trình bày tại câu hỏi, NLĐ sinh ngày 5-7-1955 đã làm thủ tục nghỉ hưu vào ngày 31-7-2015 (nghỉ hưu đúng tuổi), sau đó tiếp tục ký thêm hợp đồng lao động. Thời gian từ ngày 31-7-2015 về trước thì NLĐ này không phải lao động cao tuổi nên không phải đối tượng quy định tại khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Thời gian từ ngày 1-8-2015 thì NLĐ này là NLĐ đã nghỉ hưu nên cũng không phải đối tượng khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP nêu trên, nhưng là NLĐ cao tuổi, nếu ký hợp đồng tiếp thì “được rút ngắn thời giờ làm việc hàng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian” theo quy định khoản 2 Điều 166 Bộ luật Lao động.
P.V