Hỏi đáp chính sách lao động - việc làm

Thứ bảy, ngày 03/12/2016

Hỏi: Chồng tôi là đối tượng thương binh, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật 65%. Tháng 8-2013, do lâm bệnh nặng nên chồng tôi đã từ trần, khi đó tôi 53 tuổi. Vậy, tôi có được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng không?

(BDO)

Trả lời: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 32 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013, thì thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên chết, thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng; “Trường hợp khi thương binh chết mà cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ”.

Như vậy, trường hợp của bà đến khi đủ 55 tuổi thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

Hỏi: Cha tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa đồng thời là cán bộ hưu trí, đã chết tháng 2-2014. Vậy, gia đình tôi có được hưởng mai táng phí, trợ cấp tuất hàng tháng từ cả hai cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả không?

Trả lời: Khoản 3, Điều 7 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 quy định: Người có công với cách mạng chết, thân nhân là người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về BHXH. Trường hợp các đối tượng này là đối tượng điều chỉnh của Luật BHXH thì mai táng phí do BHXH chi trả. Đối chiếu với quy định trên thì người lo mai táng cho cha của bà được hưởng trợ cấp mai táng do cơ quan BHXH chi trả.

Ngoài ra, thân nhân còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật BHXH. Đề nghị gia đình bà liên hệ với BHXH huyện nơi chi trả lương hưu của bố bà trước khi chết để được xem xét, giải quyết. Về trợ cấp tuất đối với thân nhân người có công từ trần, gia đình bà liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, trả lời.

P.V