Hỏi đáp chính sách bảo trợ xã hội

Thứ bảy, ngày 18/04/2015

(BDO) Hỏi: Tôi năm nay 62 tuổi, bị tàn tật thì có được hưởng chế độ trợ cấp nào không? Nếu có, thì cần liên hệ với cơ quan nào để được làm thủ tục?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 44, Điều 51 Luật Người khuyết tật, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng (không phân biệt tuổi tác) đang không hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội. Trường hợp của ông Thái nếu đủ các điều kiện như đã nêu trên thì liên lạc với Cán bộ phụ trách công tác lao động, xã hội của UBND cấp xã để được hướng dẫn thực hiện.

Hỏi: Những đối tượng nào được nhận sự trợ giúp đột xuất của Nhà nước?

Trả lời: Theo quy định tại điều 6 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thì các đối tượng được trợ giúp đột xuất (một lần) là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra, bao gồm: Hộ gia đình có người chết, mất tích; Hộ gia đình có người bị thương nặng; Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng; Hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất, lâm vào cảnh thiếu đói; Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; Người bị đói do thiếu lương thực; Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú dẫn đến bị thương nặng gia đình không biết để chăm sóc; Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú.

Đối chiếu với các quy định trên đây bạn có thể đến UBND cấp xã để được hướng dẫn thêm về thủ tục hưởng chế độ trợ cấp.

Hỏi: Công ty tôi có một nhân viên nam bị tai nạn giao thông, có biên bản của cảnh sát. Nhân viên đó có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 2 năm, vậy anh ấy có được hưởng BHXH không? Trong thời gian nghỉ làm, anh ấy có được hưởng lương từ BHXH không? Và nếu có thì cách tính như thế nào?

Trả lời: Nếu tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động (TNLĐ) (tai nạn trên đường đi làm) thì theo quy định tại điều 143 Luật Lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán tiền lương và chi phí điều trị y tế cho người lao động từ lúc bắt đầu bị TNLĐ đến khi thương tật ổn định. Sau khi thương tật ổn định, người sử dụng lao động giới thiệu người lao động ra Hội đồng Giám định y khoa để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Nếu có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động ≥ 5% thì tiến hành trợ cấp theo quy định tại Thông tư số 10/2003/ BLĐTBXH ngày 18-4-2003, đồng thời lập thủ tục gửi cơ quan BHXH để hưởng trợ cấp TNLĐ. Thủ tục hưởng trợ cấp TNLĐ gồm: sổ BHXH, văn bản (mẫu có sẵn của BHXH), biên bản điều tra TNLĐ (4 bản), bản sao giấy ra viện (4 bản), biên bản giám định y khoa (4 bản), biên bản tai nạn giao thông. Nếu tai nạn giao thông không xác định là TNLĐ thì người lao động hưởng trợ cấp ốm đau.

P.V (thực hiện)