Hỏi đáp chính sách an toàn vệ sinh lao động ngày 1-4
Hỏi: Khi tính thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động thì cần lưu ý những thời gian nào được tính là thời gian làm việc?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì nếu có những thời gian sau đây cũng được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động: Thời gian thử việc hoặc tập sự (nếu có) tại doanh nghiệp; thời gian doanh nghiệp nâng cao trình độ nghề hoặc cử đi đào tạo nghề cho người lao động; thời gian người lao động nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động; thời gian chờ việc khi hết hạn tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc người lao động phải ngừng việc có hưởng lương; thời gian học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp; thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận; thời gian xử lý sai về kỷ luật sa thải hoặc về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật Lao động.
Hỏi: Điều kiện để người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như thế nào?
Trả lời: Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau: Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm: Tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công; tai nạn trong thời gian ngừng việc giữa giờ do nhu cầu sinh hoạt đã được chế độ, nội quy quy định như vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; tai nạn trong giờ nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng bằng hiện vật thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động mà công việc đó gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công; bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc hoặc ngược lại.
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn theo quy định nêu trên.
P.V