Hỏi - đáp chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Hỏi: Tôi tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp mức 2 và chưa được kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật. Sau ngày 31- 12-2013, tôi sẽ phải chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41 - 60%. Tôi có nguyện vọng được giám định để hưởng mức trợ cấp cao hơn nhưng vẫn băn khoăn không biết liệu có thể bị giảm hay cắt trợ cấp không?
Đáp: Theo quy định của Nghị định số 31/2013/ NĐ-CP ngày 9-4-2013 và Thông tư số 05/2013/ TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 sau khi có kết quả giám định Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải điều chỉnh trợ cấp theo kết quả giám định đó. Trường hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21 - 40% thì ông (bà) sẽ bị điều chỉnh giảm trợ cấp. Nếu tỷ lệ dưới 21% sẽ bị cắt trợ cấp. Vì vậy, ông (bà) cần cân nhắc kỹ trước khi đề nghị được đi giám định. Đặc biệt đối với trường hợp trước đây trong hồ sơ chỉ thể hiện một vài bệnh nhẹ, không rõ ràng như: bệnh ngoài da, mẩn ngứa, rụng tóc, tê bì chân tay… thì không nên đi giám định.
Hỏi: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh, trước đây đang hưởng trợ cấp mức 2 (cũ) nhưng chưa được kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Sau khi chuyển sang hưởng mức 3 (mới) và họ có nguyện vọng được giám định thì xử lý thế nào và điều chỉnh trợ cấp ra sao?
Đáp: Người đang hưởng trợ cấp mức 2 (cũ), sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh; đồng thời hồ sơ trước đây đã được cơ quan y tế xác nhận có mắc bệnh, tật cụ thể thì vẫn giới thiệu đi giám định. Trường hợp Hội đồng giám định kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 61% hoặc kết luận không mắc bệnh thì vẫn xếp lương theo mức của người suy giảm khả năng lao động từ 41 - 60%.
Trường hợp sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh mà hồ sơ trước đây không thể hiện một loại bệnh cụ thể nào, thì ấn định hưởng trợ cấp theo mức của người suy giảm khả năng lao động từ 41 - 60% và không giới thiệu đi giám định.
P.V