Hội cựu thanh niên xung phong tỉnh: Anh dũng trong đánh giặc, giúp nhau trong thời bình
Sáng nay (12-7), các chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) qua các thời kỳ sẽ có dịp gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm nhân Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15.7.1950 - 15.7.2013). Trong chiến tranh, lực lượng TNXP đã sát vai cùng bộ đội hành quân trên mọi nẻo đường, làm nhiệm vụ khiêng thương tải đạn, giúp đỡ bộ đội, góp phần vào thắng lợi vĩ đại 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh trao sổ tiết kiệm cho hội viên nữ
Quá khứ hào hùng
“Trong chiến tranh chúng tôi anh dũng ra chiến trường hỗ trợ cho bộ đội, còn thời bình chúng tôi cùng đoàn kết xây dựng mái nhà chung là Hội Cựu TNXP tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò làm nhân chứng lịch sử giúp Đảng và Nhà nước giải quyết các chế độ chính sách cho TNXP theo Quyết định số 40 và 62 của Chính phủ. Tôi mong các đồng chí trong hội luôn nêu cao tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường, bất khuất của TNXP, làm chỗ dựa vững chắc cho các thế hệ tiếp bước noi theo”.
(Bà VŨ THANH PHƯƠNG, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh)
Đầu năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp bộ Đoàn của tỉnh Thủ Dầu Một đã huy động một lực lượng lớn TNXP phục vụ các trận đánh. Trong hoàn cảnh đó, ngày 1-12-1965, đơn vị TNXP tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập với trên 100 đội viên. Đây cũng là ngày mà một năm về trước kẻ thù đã gây ra vụ thảm sát bằng cơm trộn thuốc độc tại nhà tù Phú Lợi. Vì vậy, đội đã mang tên 112 Phú Lợi căm thù. Sau khi đội thành lập, được phân công phối hợp cùng Sư đoàn 9 tham gia các trận đánh Phước Long, Đồng Xoài, Nhà Đỏ - Bông Trang, Bàu Bàng, Lai Khê… Đặc biệt, biệt đội 112 Phú Lợi căm thù là nơi đã nuôi dưỡng và rèn luyện người nữ anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên. Chị Liên là một chiến sĩ dũng cảm, luôn nhận phần khó khăn về mình. Những lúc anh em chiến sĩ băng mình trong mưa bom bão đạn chị luôn động viên đồng đội “chiến trường còn thương binh thì TNXP chưa rời trận địa”. Mùa mưa năm 1966, trong trận càn quét ác liệt của địch, chị hy sinh khi cố gắng đưa thương binh về hầm. Trước khi mất chị kêu gọi đồng đội: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”. Lời nói bất hủ vang khắp chiến trường ngày ấy đã trở thành truyền thống của lực lượng TNXP tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để hòa nhịp với cao trào chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, đầu tháng 9-1967 tỉnh Thủ Dầu Một thành lập Đại đội TNXP lấy tên là đơn vị TNXP Đoàn Thị Liên. Lễ ra mắt đại đội được tổ chức tại ấp 7, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Với nhiệm vụ được giao là phối hợp với bộ phận hậu cần của Tỉnh đội làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, phục vụ thương binh và được trang bị vũ khí để sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận chuyển được nhiều tấn vũ khí phục vụ cho chiến dịch mùa xuân năm 1968 và đưa thương binh về hậu cứ an toàn..
Giúp nhau trong thời bình
Chiến tranh đi qua, các chiến sĩ của lực lượng TNXP C112 Phú Lợi căm thù, đơn vị TNXP Đoàn Thị Liên trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn thường liên lạc với nhau qua Ban liên lạc cựu TNXP tỉnh và phối hợp cùng Tỉnh đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ, tập hợp các cựu TNXP để sinh hoạt và giải quyết các chế độ chính sách. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cựu TNXP sinh hoạt, gặp gỡ nhau, UBND tỉnh ra Quyết định số 165 ngày 8-8-2005 về việc thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh. Từ đó đến nay, Hội Cựu TNXP tỉnh và 7 huyện, thị, thành phố đã qua 2 nhiệm kỳ đại hội, tập hợp được trên 770 hội viên.
Qua 8 năm hoạt động, Hội Cựu TNXP tỉnh đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn thực hiện nhiều chương trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa như: Năm 2010, xây dựng công viên Đoàn Thị Liên tại xã Chánh Phú Hòa (Bến Cát); phối hợp cùng Tỉnh đoàn và Huyện ủy Dầu Tiếng xây đài bia tưởng niệm cho 46 liệt sĩ TNXP đã hy sinh trong trận càn B52 tại xã Thanh An (Dầu Tiếng). Với tinh thần tương thân, tương ái, chăm lo cho hội viên, hàng năm, Hội Cựu TNXP tỉnh và các huyện, thị, thành phố vận động hàng trăm phần quà để thăm hỏi, chúc tết hội viên; vận động các Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng 25 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tổng trị giá trên 500 triệu đồng; hội trao tặng 10 sổ tiết kiệm mỗi sổ 3 triệu đồng cho hội viên nữ nhân dịp Quốc tế Phụ nữ (8-3), ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10); hướng dẫn thủ tục, trình tự lập hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách cho các hội viên với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, hội đã giải quyết được 111 bộ hồ sơ, trong đó liệt sĩ 19 hồ sơ, thương binh 37 hồ sơ, 171 hồ sơ kỷ niệm chương TNXP.
“17 tuổi tôi bắt đầu tham gia lực lượng TNXP Nhà có 3 anh em thì cả 3 đều tham gia lực lượng TNXP. Tôi nhớ, năm 1968, xe tăng, trực thăng địch càn quét nát khu rừng, ở dưới hầm mà nghe âm thanh rầm rập trên đầu. Có những hôm tải đạn ra rồi khiêng thương binh về suốt ngày đêm không ngủ. Ban đêm anh chị em vừa hành quân vừa ngủ, vừa đi vừa nhắm mắt như vậy cũng được 5 - 10 phút. Thức ăn là cây, lá rừng. Tuy thiếu thốn trăm bề nhưng tình nghĩa anh em ấm áp lắm. Ngày đó Chúng tôi không biết sợ là gì, băng băng trong lửa đạn để cứu thương binh, tiếp đạn cho chiến trường; có những lần bom nổ gần bên mình nhưng vẫn tiến lên phía trước để mong ngày chiến thắng”, cô Ngô Thị Thanh, cựu TNXP đơn vị Đoàn Thị Liên ngày ấy nhớ lại.
NGỌC NHƯ