Hội Cựu chiến binh thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư bằng những việc làm thiết thực

Thứ sáu, ngày 08/05/2015

Khéo léo trong việc vận động, tuyên truyền, Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo đã vận động người dân tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, thể hiện nếp sống văn minh đô thị.

 Vận động không rải vàng mã ra đường

(BDO) Những năm trước đây, người dân thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo thường có thói quen là rải thật nhiều giấy tiền vàng mã ra đường khi nhà có tang lễ. Ông Phạm Xuân Nghiệp, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Phước Vĩnh, cho biết: Mỗi khi đoàn tang lễ đi qua đoạn đường nào là giấy tiền vàng mã bay đầy đường, nhất là ở ngã 3, ngã 4. Giấy vàng mã theo gió bay tung tóe vào mặt người đi đường, nhà dân. Đặc biệt, những hôm gặp trời mưa, giấy ngấm nước nhèm nhẹp không thể quét dọn, mất vệ sinh. Hơn nữa, từ rất lâu bà con có thói quen khi nhà có đám tang là để kéo dài cả tuần mới đem chôn cất. Họ quan niệm những người xấu số vừa nằm xuống mà đem chôn liền thì rất tội, với con cái như thế là không có hiếu thảo. Nhưng ít ai nghĩ rằng để đám tang quá lâu sẽ gây ô nhiễm môi trường sống.

Các CCB đang trò chuyện với P.V (phải) về việc trang bị thùng đựng rác, giữ gìn vệ sinh trên đường Phan Chu Trinh

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2009, Hội CCB thị trấn Phước Vĩnh đã nhiều lần họp bàn và thống nhất quyết tâm vận động người dân không theo tục lệ cũ. Những gia đình CCB và đảng viên trong hội phải thực hiện việc này trước hết, sau đó thuyết phục người dân trong thị trấn thực hiện theo. Ông Trịnh Ngọc Thạch, Chi hội CCB KP.9, người đưa ra sáng kiến này nhớ lại: “Lúc đó trong khu phố có chị P.T.M. là hội viên Hội CCB qua đời. Theo kế hoạch trước đó, chúng tôi kết hợp với Ban điều hành khu phố, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, cán bộ các đoàn thể trong khu phố đến vận động gia đình tổ chức đám tang phải thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Đây là phong tục tập quán, lại là vấn đề tâm linh đối với người quá cố nên công tác dân vận phải khéo léo, tế nhị để đánh vào tâm lý các thành viên trong gia đình. Cách làm này bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Đám tang này chỉ kéo dài đúng 3 ngày. Khi đưa chị M. đến nghĩa trang, những hội viên chúng tôi tình nguyện đi đầu để xử lý giấy tiền vàng mã. Thay vì rải giấy vàng mã ra đường như trước, khi xe tang đến ngã 3, ngã 4, chúng tôi lấy vàng mã ra chọn một góc thông thoáng để đốt, sau đó đoàn xe tang tiếp tục đi. Vậy là từ nhà ra nghĩa trang, không có một giấy vàng mã nào rơi ra đường, xem như chúng tôi thành công bước đầu”.

“Những mô hình mà Hội CCB thị trấn Phước Vĩnh đã và đang xây dựng trong thời gian qua đem lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh. Chính quyền địa phương đang nhân rộng các mô hình này trên tổng thể 9 ấp”

(Ông HUỲNH HUY LONG, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Vĩnh)

 

Gia đình thứ hai trong thị trấn thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ chính là gia đình của ông Phạm Xuân Nghiệp. Ông Nghiệp chia sẻ: “Lúc đó, bố tôi ốm nặng rồi qua đời. Theo phong tục, tôi cũng coi thầy chọn ngày tốt để chôn cất. Thầy bảo đến 4 ngày sau mới có ngày tốt. Tôi không chịu. Tôi bảo rằng bây giờ địa phương đã quy định không để tang lễ quá 3 ngày, nếu không sẽ bị xử phạt. Tôi quyết định đám tang của bố tôi chỉ để đúng 2 ngày. Tôi thấy cách làm này không có gì gọi là bất hiếu với cha mẹ. Mình có hiếu với ông bà, cha mẹ là lúc họ còn sống. Lúc chết thì ai cũng phải về với đất!”.

Sau 2 đám tang làm “điểm”, một số gia đình đảng viên, Hội CCB, cán bộ trên địa bàn đã học tập làm theo. Cứ mỗi lần gia đình nào có đám tang đưa đi chôn cất, Hội CCB đều cử người đi theo để giám sát việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ”. Không ít người cũng chống đối cách làm này khi vô tư rải vàng mã ra đường. Những lần như thế, những hội viên CBB lặng lẽ nhặt từng tờ giấy vàng mã mang theo đoàn tang lễ. Khi đến ngã 3, ngã 4, họ chọn một góc và đốt sạch. Có khi đoàn tang lễ đã chôn cất xong và trở về nhà, những CCB vẫn lom khom nhặt “rác” cho đến khi xong việc mới chịu về. Những hình ảnh ấy có tác dụng rất lớn đến suy nghĩ của nhiều người dân địa phương. Vì thế cho đến hôm nay, sau hơn 5 năm “Thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ”, đã có 90% số hộ thực hiện nghiêm túc. Cách làm này đang dần trở thành một nét đẹp trong tang lễ ở Phước Vĩnh.

Xây dựng nhiều tuyến đường kiểu mẫu

Để xây dựng tốt đời sống văn hóa khu dân cư, Hội CCB thị trấn Phước Vĩnh đã đi đầu, vận động người dân thực hiện thành công nhiều mô hình như: Làm cột cờ treo Quốc kỳ, xây dựng cổng chào khu phố, xây dựng quỹ hội giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… Đặc biệt, mô hình “tuyến đường kiểu mẫu” đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Không ngại khổ cực, những đảng viên lớn tuổi lặn lội đến từng gia đình vận động người dân hiến đất làm đường, góp tiền đổ bê tông. Khi có đường, họ lại vận động người dân góp tiền mua thùng rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Khi phát hiện có tuyến đường nào đó mất vệ sinh, các CCB lại cùng xách chổi đi quét dọn.

Chị Nguyễn Thị Phượng, nhà ở đường Phan Chu Trinh, nói: “Các bác là người đi đầu trong mọi phong trào ở đây. Bằng uy tín cũng như cách vận động khéo léo, các bác đã có nhiều cách làm hay, xây dựng tốt đời sống văn hóa. Cũng nhờ công lao của các bác mà nhiều tuyến đường bê tông trong thị trấn đã được xây dựng sớm hơn dự kiến”.

Chỉ trong 5 năm thực hiện việc xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, đến nay Hội CCB thị trấn Phước Vĩnh đã thực hiện được 9 tuyến ở 9 khu phố. Đó là những tuyến đường trước đây “mưa sình nắng bụi”, nay được thảm bê tông, có bô rác. Điển hình như tuyến đường 18-9, đường Phan Bội Châu, đường Huyền Trân Công Chúa... Mới đây, Hội CCB còn đứng ra vận động trồng 100 cây xanh trên một số tuyến đường và được người dân đồng lòng ủng hộ. q

 

 QUẢNG ĐIỀN