Hội chợ Lifestyle Việt Nam 2015: Gốm sứ Bình Dương gây ấn tượng mạnh
(BDO)
Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Lifestyle) 2015 được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vừa qua tiếp tục gặt hái những thành công khi thu hút hàng trăm nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, hàng ngàn nhà nhập khẩu đến từ Bắc Âu, châu Phi, Hồng Kông (Trung Quốc)… Tham gia hội chợ, các sản phẩm đến từ Bình Dương đã được khách hàng đánh giá rất cao và hứa hẹn sẽ có nhiều đơn đặt hàng đến từ các nước sau hội chợ.
Tham gia Hội chợ Lifestyle Việt Nam 2015, gốm sứ Bình Dương có cơ hội vươn xa. Ảnh: P.V
Tín hiệu lạc quan
Lần thứ 5 tổ chức Hội chợ Lifestyle tại Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (VietCraft) ghi nhận những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Riêng trong năm 2014, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt doanh số 1,6 tỷ đô la Mỹ, chiếm 1/5 thị phần thế giới.
Theo VietCraft, hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài thị trường truyền thống Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã mở rộng thị trường sang châu Âu và một số nước châu Á khác. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không chỉ đơn thuần chỉ để trưng bày, trang trí… mà đã trở thành một mặt hàng thu hút khá nhiều nhà nhập khẩu quốc tế mua về phân phối lại.
Trao đổi với các phóng viên, ông Pailo Sousa, nhà buôn người Bồ Đào Nha, cho biết: “Tôi đã có 2 lần tham gia Hội chợ LifeStyle Việt Nam và rất ấn tượng với hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Về mặt chất lượng, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không thua kém hàng Trung Quốc mà giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao mỗi năm tôi đều nhập hàng triệu đô la Mỹ hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam về phân phối, bán lại tại Bồ Đào Nha”.
Cũng theo VietCraft, hàng thủ công mỹ nghệ bằng mây, tre nứa đã vượt qua gốm sứ khi đạt con số xuất khẩu 530 triệu đô la Mỹ trong năm qua để trở thành mặt hàng chủ đạo trong kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó yếu tố môi trường sẽ quyết định sự thành bại của các quốc gia, các tập đoàn. Hàng mây tre nứa Việt Nam đáp ứng nhu cầu xanh, sạch và ít tác động đến môi trường nên được số đông người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nhiều trường đại học chuyên ngành thiết kế, xây dựng, kiến trúc tại châu Âu đã cử sinh viên tới Việt Nam để nghiên cứu và thiết kế các mặt hàng bằng chất liệu mây tre nứa. Đây sẽ là cơ hội rất lớn của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Ấn tượng gốm sứ Bình Dương
Tham gia Hội chợ Lifestyle 2015, Hiệp hội gốm sứ Bình Dương có sự tham gia của 3 công ty tên tuổi với diện tích gian hàng 270m2. Với các mặt hàng trang trí nội, ngoại thất, màu sắc phong phú, được thiết kế đẹp mắt, gốm sứ Bình Dương đã tạo nét riêng cho mình tại hội chợ triển lãm. Tại hội chợ, hàng ngàn lượt khách đã đến tham quan, trong đó nhiều khách hàng đặt điều kiện hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương. Đây là tín hiệu lạc quan cho ngành gốm sứ Việt Nam nói chung và thương hiệu gốm sứ Bình Dương nói riêng.
Bà Woong Wai Shin (nhà nhập khẩu từ Hồng Kông) nói: “Lâu nay tôi vẫn nghe ở Việt Nam có gốm sứ Bát Tràng, nhưng khi tham gia hội chợ tôi thật sự ngạc nhiên về gốm sứ Bình Dương. Chất lượng, mẫu mã lẫn hình thức của gốm sứ Bình Dương đã đạt tới đẳng cấp thế giới. Trong tương lai không xa, gốm sứ Bình Dương sẽ trở thành một mặt hàng buôn bán ưa chuộng trên thị trường thế giới”.
Ông Cao Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, cho biết theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát triển ngành thủ công mỹ nghệ phải theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Bởi cho dù kim ngạch xuất khẩu hiện nay của ngành thủ công mỹ nghệ còn đóng góp chưa nhiều cho GDP cả nước nhưng về lâu dài, ngành thủ công mỹ nghệ sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng. Con số tăng trưởng mấy năm gần đây của ngành thủ công mỹ nghệ đã nói lên tất cả, chúng ta phải phát triển ngành thủ công mỹ nghệ không chỉ đem lại lợi ích thương mại, mà còn giới thiệu bản sắc, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Cao Huy Sơn cũng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có các doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương đã góp phần đưa ngành thủ công mỹ nghệ gia nhập câu lạc bộ 1 tỷ đô la Mỹ chỉ trong thời gian ngắn. Đó còn là thành công chung của các nghệ nhân làng nghề đã mạnh dạn đầu tư tài lực, chất xám để đưa nghề truyền thống ra khỏi lũy tre làng, đến với bạn bè năm châu.
PHÙNG HIẾU