Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2022: Mở rộng thị trường nội địa phía Bắc
(BDO) Thông qua Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam, ngành công thương hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) giới thiệu tiềm năng, đặc sản về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, các sản phẩm đặc sản OCOP của tỉnh Bình Dương. Giới thiệu những sản phẩm hàng hóa nhằm tìm kiếm các đối tác ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho DN, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị của Bình Dương tham dự Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2022
Thích ứng
Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới, việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội địa là yêu cầu cấp thiết cho các DN sản xuất trong nước hiện nay. Với mục đích giới thiệu và kết nối DN địa phương với các vùng miền trên cả nước, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và quảng bá hàng hóa có thế mạnh của địa phương. Tạo điều kiện cho nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương và nhà phân phối, DN xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
“Thông qua Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam, ngành công thương hỗ trợ DN giới thiệu tiềm năng, đặc sản về mặt hàng về thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, sản phẩm đặc sản về OCOP của tỉnh Bình Dương. Cung cấp giải đáp những thông tin có liên quan thông qua việc trưng bày giới thiệu những brochure, catalogue, hình ảnh minh họa, trưng bày sản phẩm… của các đơn vị và DN trong tỉnh gửi tham gia hội chợ. Giới thiệu sản phẩm hàng hóa nhằm tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho DN, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh”, ông Phạm Thanh Dũng cho biết.
Năm 2022, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn hơn so với các năm trước, nhiều tiểu cảnh đặc trưng các vùng miền trên cả nước được dàn dựng, trang trí đặc biệt, các gian hàng được thiết kế theo module đặc biệt, vừa hiện đại vừa truyền thống theo không gian mở ngoài trời, là điểm khác biệt so với mọi năm. Không gian hội chợ sẽ được phân bổ thành các không gian, như: Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây nguyên, Duyên Hải miền Trung... Nhiều khu không gian của các tỉnh, thành phố trên cả nước có thiết kế đặc biệt, tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền, như: An Giang, Bình Định, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Hà Giang... tạo thành những ngày hội đặc sản, du lịch, văn hóa của các vùng miền trong cả nước.
Tại hội chợ lần này, những đơn vị không có điều kiện tham gia, ngành công thương tạo điều kiện để các đơn vị và DN trong tỉnh gửi hàng hóa tham gia hội chợ. Giới thiệu các sản phẩm hàng hóa nhằm tìm kiếm các đối tác ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho DN, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Kết nối thị trường
Theo ông Đinh Thiệu, chủ Cơ sở sơn mài Đinh Thiệu, hội chợ là dịp để thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Hà Nội và các địa phương trong cả nước nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng và các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng tiêu thụ tại Hà Nội cũng như cơ hội xuất khẩu. Bên cạnh đó sự kiện đã dần là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế để tham quan, mua sắm, trải nghiệm những nét văn hóa, du lịch của các vùng miền Việt Nam tại thủ đô. “Trước đây, Cơ sở sơn mài Đinh Thiệu có nhiều khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sau khi bị gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 chúng tôi rất vui mừng được ngành công thương tạo điều kiện để tiếp cận trở lại thị trường, kết nối với các khách hàng truyền thống”, ông Đinh Thiệu cho biết.
Ông Vũ Nhật Nam, Giám đốc Công ty Vũ Nhật Nam chia sẻ trong chương trình hội chợ có tổ chức hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở, DN sản xuất, nhà phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân thủ đô các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, quảng bá các hàng hóa có thế mạnh và các sản phẩm an toàn của các tỉnh, thành trong cả nước đến với Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc”. Đây là dịp để DN tiếp cận với khách hàng một cách thuận lợi nhất, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm đến các nhà phân phối tại các địa phương phía Bắc”, ông Nam cho biết.
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp, qua các năm, hội chợ không ngừng đổi mới, nâng lên về chất lượng và quy mô, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín. Với lượng khách giao dịch, tham quan lên đến hàng ngàn lượt mỗi ngày, hội chợ là cơ hội tốt để các địa phương, DN trong cả nước quảng bá sản phẩm, đặc sản của các vùng, miền với người tiêu dùng cũng như tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, Ban tổ chức tiếp tục quan tâm, lựa chọn các sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích DN phát triển, giới thiệu sản phẩm mới sáng tạo, bao bì đẹp, quy tụ các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, đặc sản địa phương, nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ban tổ chức cũng khuyến khích DN phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản địa phương; các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…
Hội chợ có quy mô 260 gian hàng với hơn 350 đơn vị, DN của 54 tỉnh, thành phố tham gia và quy tụ sản phẩm của 64 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, hội chợ còn có khu trưng bày các sản phẩm quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, văn hóa, du lịch các nước; khu trưng bày, trình diễn ẩm thực 3 miền; khu thưởng trà; khu trưng bày sản phẩm OCOP... |
TIỂU MY