Hội chăn nuôi và thú y tỉnh: Tham gia tích cực vào các chương trình, dự án

Thứ năm, ngày 20/07/2023

(BDO) Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực, phát huy vai trò, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, góp phần vào sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi và thú y của tỉnh.

 Cán bộ thú y tỉnh hỗ trợ hộ chăn nuôi heo tại huyện Bàu Bàng tiêm vắc-xin phòng bệnh

 Tổ chức nhiều lớp tập huấn

Trong giai đoạn 2018-2023, Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho hội viên. Cụ thể, hội đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn cho các đối tượng là người chăn nuôi, cán bộ thú y là hội viên với số lượng trên 4.435 lượt người tham dự. Các nội dung được triển khai như chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền văn bản pháp luật trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản; tập huấn về việc ứng dụng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp… Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã tham gia thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án của ngành chăn nuôi và thú y nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Trong công tác thông tin tuyên truyền, Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề, như: Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ; vấn đề kháng kháng sinh, lĩnh vực an toàn thực phẩm, thuốc thú y; vận động hội viên thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngoài ra, hội cũng vận động hội viên phát triển chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Trần Phú Cường, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhiệm kỳ qua, hội thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm động vật, an toàn thực phẩm. Hội tham gia phản biện, góp ý các dự thảo quy định về lĩnh vực ngành, các đề tài khoa học kỹ thuật; phối hợp Phân viện Chăn nuôi Nam bộ thực hiện đề tài khảo sát thực trạng nuôi yến trên địa bàn và đề xuất các giải pháp quản lý.

Trong công tác tham gia phối hợp, hội cũng chủ động mời các chuyên gia của cơ quan chuyên môn báo cáo chuyên đề trên từng lĩnh vực như chuyển đổi số, quản lý môi trường trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, đáp ứng các yêu cầu cho hoạt động, sản xuất của hội viên. Bên cạnh đó, hội tổ chức các hội thảo chuyên đề về giết mổ như vận động, thuyết phục hội viên là chủ các cơ sở giết mổ từng bước nâng cấp vệ sinh thú y, xử lý chất thải thông qua hệ thống, đưa dây chuyền giết mổ bán công nghiệp vào sản xuất; vận động hội viên kinh doanh vật tư, thuốc thú y đúng danh mục thuốc thú y được phép lưu hành.

Đồng thời, Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng thực hiện việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng; không kinh doanh các loại thuốc thú y nằm trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Thông tin đến hội viên tập trung vào lĩnh vực giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, thực hiện chương trình công nghệ sinh học, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, giúp hội viên cải tiến năng suất trong chăn nuôi.

Tiếp tục phát huy vai trò

Ông Trần Phú Cường cho biết trong nhiệm kỳ qua, các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra được phân công nhiệm vụ cụ thể. Qua đó đã tạo thuận lợi cho Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh hoạt động đạt được một số thành tích trong công tác thông tin tuyên truyền, tham gia phối hợp và hoạt động chuyên môn, chuyên ngành. Hiện trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 200 trang trại chăn nuôi đã được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; trong đó có 22 trang trại chăn nuôi heo đã được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Thời gian tới, hội sẽ tích cực cập nhật thông tin giá cả về con giống, thức ăn chăn nuôi, đồng thời sẽ có hướng hỗ trợ, tăng cường phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi và sức khỏe con người để phát triển chăn nuôi bền vững.

Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực hoạt động; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể hội viên và người dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Song song đó, hội sẽ chủ động mời các chuyên gia các trường, trung tâm chuyên môn, như: Các viện, trường Đại học Nông Lâm, Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II, Chi cục Thú y vùng VI báo cáo chuyên đề trên từng lĩnh vực. Các hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu sản xuất của hội viên trên các lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, phòng, chống dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kinh doanh thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin vào sản xuất…

 Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động tại Quyết định 683/QĐ-UBND ngày 22-3-2013 và được UBND tỉnh phê duyệt điều lệ (sửa đổi, bổ sung) tại Quyết định 1819/QĐ-UBND ngày 4-7-2018. Hiện nay, số lượng hội viên của hội là 280 người, hội viên Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh là cán bộ thú y Nhà nước, thú y tư nhân; các chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y; các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật… Ban Chấp hành Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh có 27 ủy viên, Ban Kiểm tra có 3 thành viên.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC