Học và làm theo bác ở Dầu Tiếng: Nhiều mô hình sát thực với dân
Thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo bước đầu mang lại kết quả tích cực. Trong đó, nhiều mô hình gần gũi, thiết thân với người dân đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng nên có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn huyện.
(BDO)
Nhờ có mô hình “Thắp sáng đường quê”, người dân ấp Thanh Tân, xã Thanh An đi lại vào buổi tối thuận tiện, an toàn hơn. Ảnh: CÔNG KHANH
Thắp sáng đường quê
Đã 2 năm nay, người dân ấp Thanh Tân, xã Thanh An không chỉ vui vì xã nhà được công nhận là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện mà còn vui bởi đời sống tinh thần của bà con nay đã có nhiều thay đổi. Trường học, trạm y tế, chợ, đường giao thông… được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế gia đình cũng như đời sống của người dân.
Anh Nguyễn Minh Châu ở ấp Thanh Tân khi tiếp chuyện chúng tôi đã “khoe” rằng, bộ mặt nông thôn của ấp, của xã ngày nay đã thay đổi nhiều lắm rồi. “Đường sá được bê tông hóa rộng rãi, ngày ngày có xe vào thu gom rác nên môi trường rất sạch sẽ. Mới đây bà con còn góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường. Đêm đến, xóm ấp sáng như ở thị trấn, bà con vui lắm…”, anh Châu phấn khởi nói. Như để khẳng định thực tế mà anh Châu vừa nói, anh Bùi Đức Kế, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thanh Tân tâm sự thêm: “Lúc đầu chúng tôi khá vất vả khi vận động bà con chung tay lắp đặt hệ thống đèn đường vì một mặt điều kiện kinh tế những năm qua còn khó khăn do giá mủ cao su xuống thấp. Mặt khác, lúc ấy bà con cũng chưa hình dung được những lợi ích khi lắp đặt đèn đường nên có người đồng tình, người lại không. Chúng tôi phải kiên trì vận động, giải thích nên cuối cùng tất cả bà con đều đồng thuận thực hiện việc lắp đặt đèn đường. Bây giờ thì bà con phấn khởi rồi…”. Ông Ngô Văn Long, Trưởng ấp Thanh Tân cho biết, hiện cả ấp có gần 60 hộ đóng tiền để lắp đặt hệ thống đèn trên các tuyến đường trong ấp. Mỗi hộ ban đầu đóng khoảng 600.000 đồng để mua bóng đèn, đồng hồ tự động, kéo dây… và mỗi tháng góp thêm từ 7.000 - 10.000 đồng tiền điện. “Từ khi có đèn đường người dân rất vui vì an ninh trật tự, an toàn giao thông bảo đảm. Ban đêm bà con đi dạo, sáng sớm thì đi tập thể dục, rất thuận lợi…”, ông Long chia sẻ.
Đến nay mô hình “Thắp sáng đường quê” đã nhân rộng toàn xã Thanh An với gần 20 công trình đèn chiếu sáng ở tất cả các ấp. Ông Hoàng Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh An cho biết, hiệu quả từ mô hình này không chỉ góp phần mang lại cuộc sống yên vui cho người dân mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của nhân dân trong xã cùng chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.
Gần dân, giúp dân
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, bước đầu có sức lan tỏa trong Đảng và trong xã hội. Mô hình “Gần dân, sát dân” được huyện triển khai từ giữa năm 2016 đang mang lại nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân”, mỗi tháng các đồng chí cán bộ lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn tự sắp xếp thời gian từ 1 - 2 ngày đến gặp gỡ tiếp xúc với một số hộ gia đình ở địa bàn mình được phân công phụ trách. Đó là những hộ gia đình chính sách, gia đình có công, gia đình cán bộ hưu trí, đảng viên cao tuổi, gia đình chức sắc tôn giáo, các cụ lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng, hộ nghèo, cận nghèo…
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Dầu Tiếng cho biết, qua 1 năm thực hiện, mô hình này đã có trên 900 lượt cán bộ lãnh đạo từ huyện đến các xã, thị trấn đến gặp gỡ, thăm hỏi trên 1.000 lượt hộ dân. Qua đó đã tiếp nhận gần 800 ý kiến và trả lời làm rõ tại chỗ trên 750 ý kiến của người dân. Các ý kiến còn lại được chuyển cho cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Có thể khẳng định, việc triển khai mô hình “Gần dân, sát dân” trên địa bàn huyện Dầu Tiếng bước đầu mang lại những kết quả quan trọng, tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ lãnh đạo, đảng viên từ huyện đến cơ sở.
Trong quá trình gặp gỡ, cán bộ đã trực tiếp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Ngược lại, nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các cấp lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực, qua đó tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa chính quyền với nhân dân, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Thông qua mô hình “Gần dân, sát dân”, các cán bộ lãnh đạo đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề bức xúc cũng như giải đáp những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TRÍ DŨNG