Học trò nghèo không thể với tới!
Mười hai bộ sách giáo khoa phổ thông được “gói” trong một cuốn sách điện tử với giá bán 4,8 triệu đồng, những thông tin vừa tung ra trong những ngày cuối tháng 6 đã thực sự gây xôn xao giới học trò và thầy cô giáo trong cả nước. Hiện đại và thuận tiện đó là điều không cần bàn cãi về cuốn sách điện tử dưới dạng máy tính bảng trong thời công nghệ thông tin bây giờ, cái mà nhiều người quan tâm chính là giá cả mà nhà xuất bản đưa ra.
Bốn triệu tám trăm ngàn đồng, với học trò thành thị hay nói đúng hơn là với con em những gia đình khá giả thì không thành vấn đề. Nhưng đại đa số học trò trong cả nước, đặc biệt là học trò nghèo, học trò ở nông thôn, miền núi, nơi những ông bố, bà mẹ phải chắt góp từng đồng để lo cái ăn, cái mặc cho con em họ thì việc bỏ ra 4,8 triệu đồng để mua sách quả là một số tiền không nhỏ bao giờ.
Vẫn biết là chưa phổ biến, chưa bắt buộc, học trò có quyền dùng sách giáo khoa giấy như bao lâu nay. Đưa ra sách giáo khoa điện tử chỉ để “chào hàng”, mua hay không là quyền của người tiêu dùng mà cụ thể ở đây chính là các thầy, cô giáo và các em học sinh. Nhưng liệu có ổn không khi trong một lớp học, những học trò có điều kiện thì dùng sách điện tử, số còn lại thì dùng sách giấy, “khoảng cách” ấy có nên chăng! Không riêng gì học sinh, với giáo viên, không hẳn ai cũng đủ điều kiện để trang bị.
Trả lời về giá sách đưa ra quá cao so với một số nước đã xuất bản sách giáo khoa điện tử, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng giá đó là hợp lý và ngành giáo dục có thể dùng ngân sách để đầu tư trang bị cho giáo viên như việc đầu tư thiết bị trường học vậy. Cái giá “hợp lý” mà nhà sản xuất đưa ra đã cao hơn tới 3 - 4 lần nếu so sánh với sách giáo khoa điện tử của Ấn Độ sản xuất dành cho con em nước họ học tập!
Với nhiều nhà xuất bản, họ cho rằng xuất bản sách giáo dục điện tử như vừa nêu là một kiểu “độc quyền”, đi ngược lại với thông lệ là cần phổ biến sách giáo khoa một cách đại chúng. Một số chuyên gia còn cho rằng, nội dung sách giáo khoa là tài sản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng trong trường hợp này lại trở thành tài sản riêng của doanh nghiệp xuất bản sách nên họ đã đưa ra cái giá mà với số đông con em nghèo không thể với tới.
Sách giáo khoa điện tử, quả là mơ ước của bất cứ học trò nào trong thời đại công nghệ số. Nhưng cái giá như vừa nêu có lẽ số đông học trò nước Việt không thể với tới!
• CẢNH HƯỞNG