Học theo Đại danh y Lê Hữu Trác, điều không bao giờ cũ!
Với những thầy thuốc chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền thì tấm gương và những bài học từ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn cần noi theo. Những bài học về y đức, y thuật của ông mãi mãi vẫn còn tính thời sự…
Theo bác sĩ Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, dịp giỗ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng là dịp “sinh hoạt nghề nghiệp” của ngành y Việt Nam. Các thầy thuốc coi đây là một đợt học tập, trau dồi y đức trong ngành để mọi người cùng cố gắng, cống hiến nhiều hơn cho nghề nghiệp mà mình đã chọn.
(BDO)
Giỗ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Q.NHƯ
Bác sĩ Quách Trung Nguyên, cho biết thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) là điều mà người thầy thuốc nào cũng cần biết. Và những bài học về y đức, y thuật, đạo làm người của ông là điều luôn mới mẻ, có tính thời sự. Lê Hữu Trác người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng (ông, cha, chú, bác, anh, em...) đều học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê - chúa Trịnh nhưng ông thì suốt một đời nghiên cứu y thuật, văn chương và coi trọng sự nghiệp cứu người của mình. Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng. Mặc dù lấy biệt hiệu Lãn Ông, tức tự trào rằng mình là ông già “lười” nhưng ở đây là lười với công danh, phú quý, nhưng lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.
Sinh thời, Hải Thượng Lãn Ông vừa chữa bệnh, dạy học vừa biên soạn sách. Toàn bộ sách ông để lại mà chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá. Sách về y học cổ truyền Việt Nam của ông được gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh...
Cũng trong dịp các thầy thuốc tổ chức giỗ và học tập theo gương Lê Hữu Trác, bác sĩ Ngô Dũng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là một bài học có tính thời sự. Theo bác sĩ Nghĩa, Y học cổ truyền Việt Nam phát triển qua hàng ngàn năm, trở thành nền khoa học, y học chính thống với hàng trăm danh y và kho tàng tài liệu quý về y dược học. Thầy thuốc các thế hệ học ở ông là học cách nắm vững y lý, y thuật cũng như cách đối nhân xử thế.
Chia sẻ với đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ Nghĩa nói thêm: “Kỷ niệm 224 năm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, chúng ta, những cán bộ y tế phải nguyện noi theo gương sáng của đại danh y về y đức, y đạo, y thuật. Luôn trau dồi 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, thực hiện tốt 12 điều y đức của Bộ Y tế, quy tắc ứng xử nghề nghiệp và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Người thầy thuốc phải đem hết công sức của mình, không ngừng học hỏi, nghiên cứu khoa học để soi sáng và áp dụng những bài thuốc hay, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người thầy thuốc cũng cần phải kết hợp nhuần nhuyễn y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân để đạt hiệu quả cao hơn”.
Trong 9 y huấn cách ngôn của Đại danh y Lê Hữu Trác, ông nhấn mạnh về y đức. Ông nhắc nhở người thầy thuốc khi đi thăm bệnh, cần kíp thì đến trước, chớ nên phân biệt giàu sang, nghèo hèn. Phàm thầy thuốc phải ý thức lấy nghiệp vụ mình quan trọng không nên tự ý cầu vui mà rời phòng bệnh, phòng khi có trường hợp cấp cứu đến thì xử trí mới kịp thời. Gặp chứng bệnh nguy cấp, tuy hết lòng cứu chữa, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước, có khi cần thì cho không cả thuốc… Với những người bệnh nghèo túng, mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, những người con thảo, vợ hiền nên chăm sóc đặc biệt, khi cần còn chu cấp giúp đỡ họ mới đáng gọi là nhân thuật…
QUỲNH NHƯ