Học tập suốt đời lan tỏa sâu rộng

Thứ tư, ngày 11/11/2020

(BDO)  Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã trở thành phong trào và phát triển khắp các địa phương trong tỉnh. Các mô hình học tập của Bình Dương đã góp phần cùng cả nước xây dựng một xã hội học tập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 Ông Dương Thế Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng khuyến học cho các học sinh

 Xây dựng xã hội học tập

Thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Hội Khuyến học tỉnh thực hiện thí điểm các mô hình học tập tại xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Từ địa phương triển khai thí điểm này, những năm tiếp theo, số xã thực hiện ngày càng nhiều, đến năm 2019 có 100% xã, phường trong tỉnh đăng ký thực hiện các mô hình học tập như: Gia đình, cộng đồng, đơn vị học tập. Ông Dương Thế phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đánh giá các mô hình học tập có tác động tích cực đối với phong trào học tập suốt đời của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thực tế cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội Khuyến học các cấp hoạt động, cũng như có sự đồng thuận của nhân dân thì hiệu quả hoạt động các mô hình học tập được nâng lên. Nhiều địa phương đã gắn phong trào xây dựng các mô hình học tập vào các cuộc vận động tại địa phương như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Nhìn nhận về tính thiết thực của phong trào học tập suốt đời, ông Dương Thế Phương cho rằng việc xây dựng các mô hình học tập đã đẩy mạnh phong trào học tập trong cán bộ, công chức, người lao động; đặc biệt đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì bền vững thành quả của công tác phổ cập giáo dục và chống mù chữ trong ngành giáo dục - đào tạo.

Những điểm sáng

Từ khi đẩy mạnh thực hiện phong trào học tập suốt đời, các địa phương đã triển khai đại trà các mô hình học tập. Từ đây đã xuất hiện nhiều địa phương, gia đình, cộng đồng tiêu biểu học tập suốt đời. Trong đó tiêu biểu có Hội Khuyến học TP.Thuận An. Nhiều năm qua Thuận An đã thực hiện khá tốt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến 2020”. Qua từng năm, số gia đình được công nhận gia đình học tập tăng lên, đến năm 2019 đạt tỷ lệ 83,99%. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Thuận An nhìn nhận phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập và từng bước xây dựng xã hội học tập đã góp phần duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Trong đó, việc xây dựng gia đình học tập đã góp phần hỗ trợ cho cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu phố, ấp văn hóa, hỗ trợ công tác dạy và học ở nhà trường; khuyến khích con, cháu trong các gia đình chăm chỉ học tập, học giỏi; giúp cho học sinh (HS) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đến trường, qua đó góp phần giảm tỷ lệ lưu ban bỏ học; động viên khen thưởng HS giỏi, giáo viên có HS giỏi...

“Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án: “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Bình Dương đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ, vượt chỉ tiêu theo đề án. Hội Khuyến học tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, các hộ gia đình, các khu ấp, đơn vị trường học, một số cơ quan cấp xã, huyện, qua đó bước đầu tạo chuyển biến tích cực hơn về nhận thức “khuyến học không chỉ vận động tiền để trao học bổng, mà khuyến học thực sự đã trở thành cuộc vận động quần chúng rộng lớn, vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập”.

Ông DƯƠNG THẾ PHƯƠNG, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh

Ở xã Phú An, TX.Bến Cát, Chi hội Khuyến học ấp An Thuận đạt nhiều kết quả nổi bật trong việc xây dựng mô hình gia đình học tập với sự tham gia của 100% hộ gia đình. Chi hội đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã vận động HS bỏ học trở lại lớp; đăng ký cho người lao động tham gia học các lớp đào tạo nghề do hội nông dân, hội phụ nữ tổ chức, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đối với công tác khuyến học, khuyến tài, hàng năm, chi hội đã vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng, tập vở, đồ dùng học tập cho HS nghèo hiếu học trong ấp. Trong 5 năm qua, chi hội đã tặng gần 3.000 quyển tập, 9 suất học bổng, 10 cặp sách và nhiều phần quà khác cho HS nghèo địa phương. Cùng với các đơn vị, địa phương xây dựng xã hội học tập, nhiều gia đình trong tỉnh dù cuộc sống còn khó khăn vẫn quyết chí cho con ăn học.

Học tập là quyển sách không có trang cuối. Thế nên học tập suốt đời đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Thời gian tới, Bình Dương phấn đấu đạt các chỉ tiêu về xây dựng xã hội học tập một cách bền vững để có thể trở thành huyện, tỉnh, thành phố học tập, công dân học tập...

 ÁNH SÁNG