Học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học: Linh hoạt nhưng cần quản lý chặt

Thứ tư, ngày 02/10/2024

(BDO) Chuyện cho học sinh (HS) phổ thông được sử dụng hay không sử dụng điện thoại trong trường học bỗng trở nên “nóng” khi năm học mới 2024-2025 bắt đầu.

 Điện thoại thông minh được HS TP.Thủ Dầu Một sử dụng vào các hoạt động ngoại khóa

 Các trường linh hoạt

Xoay quanh vấn đề này, tại Bình Dương mỗi trường có một quy định khác nhau về việc cho phép hay không cho phép HS được sử dụng điện thoại trong thời gian trên lớp. Đa phần các trường đều linh hoạt cho HS sử dụng điện thoại trong những giờ học mà giáo viên yêu cầu, nhưng cũng có cách để quản lý chặt, tránh tình trạng HS dùng điện thoại vào việc riêng.

Tại trường THPT Lê Lợi, huyện Bắc Tân Uyên, vấn đề hạn chế HS sử dụng điện thoại trong trường học đã được nhà trường thông báo và thỏa thuận với phụ huynh ngay từ đầu mỗi năm học. Cô Phạm Thị Tùng Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập của các em. Vì vậy trong mấy năm nay nhà trường hạn chế, không cho HS mang điện thoại vào lớp học, nếu mang, các em chỉ được phép để ngoài xe. Đối với những hoạt động học tập cần sử dụng điện thoại, HS phải báo với giáo viên và được Đoàn trường giám sát chặt chẽ.

“Ngay cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường đã phổ biến và thống nhất với phụ huynh HS về vấn đề này và nhận được sự ủng hộ của tất cả phụ huynh. Nhà trường cũng đã trang bị điện thoại bàn ở chốt bảo vệ trường, nếu có vấn đề gì gấp hoặc cần thiết, các em HS có thể ra sử dụng điện thoại bàn để liên lạc với phụ huynh”, cô Tùng Oanh cho biết thêm.

Vấn đề sử dụng điện thoại cũng được trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP. Thủ Dầu Một) quản lý rất chặt chẽ. Theo thầy Phạm Đức Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước đây trường cấm hoàn toàn việc HS sử dụng điện thoại trong trường học nhưng từ khi triển khai chương trình GDPT 2018 và Thông tư 32 của Bộ GDĐT ban hành, nhà trường đã linh hoạt cho phép HS sử dụng điện thoại vào một số hoạt động theo yêu cầu của giáo viên bộ môn. Giáo viên bộ môn phải lên kế hoạch trước gửi lên Ban Giám hiệu nhà trường phê duyệt.

Cũng theo thầy Phạm Đức Cường, nhà trường luôn bám sát quy định của Thông tư 32, nếu tiết học nào giáo viên cần thiết cho phép HS sử dụng điện thoại thì HS sẽ được sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định. Giáo viên phải kiểm soát được việc HS sử dụng điện thoại. Còn lại hầu như HS không được sử dụng điện thoại. Trường có đội ngũ giáo viên quản nhiệm của từng lớp, đây là cầu nối với phụ huynh, khi có việc cần thiết, chính đội ngũ giáo viên quản nhiệm sẽ thông báo với phụ huynh học sinh.

Có thể thấy, phần lớn các trường đều bám sát quy định tại Thông tư 32, chỉ cho HS sử dụng điện thoại vào các hoạt động giáo dục của nhà trường như hoạt động ngoại khóa, tiết học phải làm bài tập trực tuyến trên máy qua các phần mềm… Ngoài những hoạt động này, HS sẽ không được sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều HS vẫn lén lút sử dụng điện thoại để nhắn tin, chơi game, lướt mạng xã hội... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập của bản thân mà còn gây mất trật tự trong lớp học.

Việc hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học giúp HS tập trung hơn trong các hoạt động học tập và giáo dục

Cần quản lý chặt chẽ

Hiện vấn đề HS sử dụng điện thoại di động trong nhà trường đang được quan tâm. Trao đổi với P.V, thầy Phạm Bảo Toàn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thái Hòa (TP. Tân Uyên), chia sẻ: “Theo tôi, việc HS được sử dụng điện thoại có những mặt lợi và mặt hại. Việc sử dụng điện thoại giúp các em HS có thể tham khảo các bài học trực tuyến và tìm hiểu thông tin phục vụ cho bài học một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng sẽ khiến các em mất tập trung, ảnh hưởng đến việc học tập, nhất là hiện nay khi mạng xã hội rất phát triển. Chính vì vậy, nhà trường luôn quản lý và giao cho giáo viên kiểm tra chặt chẽ trong các giờ học HS được sử dụng điện thoại”.

Cùng quan điểm đó, anh Nguyễn Chí Trung (ngụ phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An) cho rằng nhà trường cần có những biện pháp chặt chẽ để quản lý, tránh tình trạng các em lợi dụng để sử dụng điện thoại không đúng mục đích. Nhà trường cần xử lý những trường hợp HS vi phạm quy định để các HS khác thấy và thực hiện nghiêm túc hơn.

Với em Nguyễn Phạm Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 11T2, trường THPT Chuyên Hùng Vương thì việc hạn chế sử dụng điện thoại với HS là rất cần thiết, bởi nếu cầm theo điện thoại các em sẽ rất khó tập trung vào việc học. “Mặt khác, em thấy khi không còn tập trung vào điện thoại, em và các bạn trò chuyện, gắn kết với nhau hơn và hướng về nhau nhiều hơn”, Nguyễn Phạm Thị Quỳnh Như cho biết thêm.

 Thông tư 32/2020-BGDĐT ban hành ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, điện thoại di động được xem như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học nhưng có điều kiện kèm theo, không phải HS được thoải mái dùng.

 HỒNG PHƯƠNG