Học sinh lớp 12: Lúng túng với môn thi ngoại ngữ

Thứ sáu, ngày 13/03/2015

Khác với các mùa thi những năm học trước, năm nay Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quyết định gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi THPT quốc gia. Quyết định này sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh (HS), giảm bớt tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, trước sự đổi mới này HS tỏ ra lo lắng vì không biết mức độ dễ - khó của đề thi. Một thay đổi đáng chú ý là năm nay môn ngoại ngữ sẽ có 2 phần: trắc nghiệm và viết.

Em Lê Thị Thanh Lan, HS trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Từ khi thông tin đề thi ngoại ngữ có thêm phần viết, HS rất lo lắng. Nhiều năm nay các em đã quen với hình thức thi trắc nghiệm, chỉ còn khoảng 4 tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, các em trở tay không kịp”. Những HS khác cũng cho hay, đi thi HS đều mong muốn đạt điểm tuyệt đối. Nhưng nay đề thi có thêm phần thi viết thì các em phải rèn ngữ pháp, từ vựng e rằng khó mà đạt điểm cao.

(BDO)

Đại diện NES trao học bổng cho các học sinh đoạt giải tại cuộc thi hùng biện tiếng Anh. Ảnh: H.THÁI

Năm 2014, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ đã có phần trắc nghiệm và phần viết, trong khi đó đề thi đại học thi bằng hình thức trắc nghiệm. Năm nay, hai kỳ thi được gộp chung thành một kỳ thi quốc gia, ngay cả giáo viên cũng không nghĩ đến việc đề thi ngoại ngữ sẽ có phần viết. Theo khảo sát của chúng tôi, từ đầu năm học đến nay giáo viên không rèn cho HS phần viết. Một giáo viên dạy Anh văn ở trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên) cho biết, từ khi Bộ GD-ĐT quyết định đề thi môn ngoại ngữ có 2 phần, giáo viên mới bắt đầu chuyển hướng ôn tập. Giáo viên tìm kiếm tài liệu và dựa vào các chủ đề trong sách giáo khoa mà hướng dẫn HS viết.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT:

Những mùa thi các năm trước, tổ bộ môn nghiệp vụ sở có soạn đề cương ôn tập ở các môn thi tốt nghiệp THPT, nhằm định hướng cho giáo viên tổ chức ôn tập cho HS. Với những đổi mới trong kỳ thi năm nay, sắp tới sở sẽ tổ chức các buổi hội thảo để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, giảng dạy đối với các môn thi.

Nói như vậy cũng không hẳn các trường đều bỏ qua phần rèn viết cho HS. Thầy Nguyễn Quang Vũ, tổ trưởng bộ môn Anh văn trường THPT Dĩ An (TX.Dĩ An) cho biết, giáo viên chú trọng rèn 4 kỹ năng cho HS, trong đó có phần viết. Trong các tiết kiểm tra 1 tiết, giáo viên cũng đưa phần này vào đề để HS rèn luyện. Hiện nay, khi có thông tin đề thi có thêm phần viết, vào những giờ học tăng tiết giáo viên tăng cường rèn đề thi cho HS, trong đó có chú trọng phần viết.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đề thi năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh và đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản và yêu cầu nâng cao.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào đầu tháng 7. Thời gian từ nay đến kỳ thi không còn nhiều. Không đợi đến khi kết thúc chương trình, ngay từ bây giờ các trường THPT đã bắt đầu tăng tốc và chuyển hướng ôn tập cho HS. Điều quan trọng bây giờ là giáo viên dồn hết tâm huyết giảng dạy cho HS, đồng thời động viên các em không lo lắng, mà cần tập trung cao độ cho việc học tập. Đây là kỳ thi có tính quyết định, vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Ban giám hiệu trường THPT Tây Nam (TX.Bến Cát) cho biết, trường chia các lớp ôn tập theo trình độ HS. Giáo viên xây dựng đề cương giảng dạy phù hợp với các lớp luyện thi, phụ đạo theo năng lực HS. Trong các buổi dạy, giáo viên rèn luyện kỹ năng làm bài cho HS theo yêu cầu của bộ môn.

H.THÁI