Học nghề - cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Thứ tư, ngày 13/11/2019

(BDO)  Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh thực hiện từ năm 2004 là một bộ phận gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả, các ngành, các cấp và các địa phương trong tỉnh đã đồng bộ triển khai thực hiện, nhằm góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…

 Đào tạo nghề nấu ăn đãi tiệc cho lao động nông thôn

 Giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Thời gian qua, tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề của tỉnh. Từ năm 2004 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thị triển khai Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và tổ chức tuyển sinh đến các địa bàn xã, phường, thị trấn. Các đoàn thể Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đã phối hợp trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học, hầu hết các lớp đào tạo nghề cho LĐNT được tổ chức đào tạo lưu động theo địa bàn các xã. Các khóa đào tạo ngắn hạn đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1968 ở khu phố 3, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) vui mừng cho biết, chị được học nghề nấu ăn đãi tiệc. Kết thúc khóa học chị có được giấy chứng nhận sơ cấp nghề. Từ những kiến thức đã được học, chị hiện nay đã mở dịch vụ nấu ăn đãi tiệc. “Sau khóa học, tôi cũng như các học viên khác đã có việc làm ổn định, thu nhập khá. Đây là điều rất mừng cho LĐNT”.

Tính từ khi triển khai đề án đến hết ngày 31-12-2018, toàn tỉnh đào tạo được 15.326 người; trong đó học nghề nông nghiệp là 7.483 người, phi nông nghiệp là 7.843 người. Các ngành nghề đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng tập trung vào nhóm nghề phi nông nghiệp, góp phần phục vụ cho sự phát triển của công nghiệp - dịch vụ như: Điện, máy tính, lái xe ô tô, xe nâng, nấu ăn đãi tiệc, hàn, thẩm mỹ, cắm hoa… Bên cạnh đó, nhóm nghề nông nghiệp vẫn được đào tạo nhằm phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, chủ yếu tập trung tại các huyện còn canh tác nông nghiệp như: Cao su, cây có múi, chăn nuôi, sinh vật cảnh. Sau khi tốt nghiệp, hơn 80% người học có việc làm ổn định.

Tiếp tục thực hiện nhiều chính sách

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tổ chức triển khai đào tạo nghề cho khoảng 7.000 LĐNT; trong đó nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp khoảng 6.000 người, nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.000 người. Tỷ lệcóviệc làm sau khi học nghềtrong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016-2018 tổng số LĐNT được học nghề 4.073 người. Năm 2019 tổ chức đào tạo nghề cho 1.960 LĐNT. Đến năm 2020 đào tạo nghề cho khoảng 407 người.

Thực hiện giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục thực hiện những chính sách đối với người học như: Hỗ trợhọc phívàcác chi phíkhác cho LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo (theo chuẩn của tỉnh Bình Dương), người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗtrợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng). Hỗtrợ cho LĐNT thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo (theo chuẩn của tỉnh Bình Dương) được hỗtrợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng).

Riêng LĐNT là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Ngoài ra, Bình Dương còn có chính sách hỗ trợvốn vay từNgân hàng Chính sách xãhội cho LĐNT học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. LĐNT làm việc ổn định ở nông thôn có xác nhận của UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn), sau khi tốt nghiệp được ngân sách hỗtrợ 100% lãi suất đối với khoản vay để sản xuất, kinh doanh theo ngành nghềđãhọc. LĐNT sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

“Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đã có sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động về việc học nghề; tạo điều kiện cho người lao động vùng nông thôn có nghề nghiệp để tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian LĐNT, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, cung cấp lực lượng lao động có nghề tại chỗ phục vụ cho địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 TƯỜNG VY