Học liên thông - còn nhiều vướng mắc!
Sau mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), lại có hàng trăm ngàn thí sinh (TS) không bước chân được vào ĐH. Chính đào tạo liên thông đã tạo ra hướng mở cho học sinh “rộng đường” đi, giảm áp lực đầu vào ở các trường ĐH mà còn là giải pháp giúp các em có nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ vào ĐH của mình. Thế nhưng, việc triển khai chương trình đào tạo liên thông hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chương trình đào tạo liên thông giúp nhiều em có cơ hội thực hiện ước mơ vào ĐH
Năm nay, sau khi một số trường ĐH công bố điểm thi tuyển sinh năm 2011, những TS có tổng số điểm thấp, không hy vọng đậu ở nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, đã chuyển hướng vào các trường CĐ, trung cấp (TC). Điều mà TS quan tâm nhất là các ngành học TC, CĐ ở các trường có thể liên thông lên ĐH. Đào tạo liên thông đã “mở rộng” đường vào ĐH cho các học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Không vào được ĐH, các em có thể học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nhưng vẫn có cơ hội học tập lên cao hơn.
Gần đây các trường ĐH, CĐ, TC ở Bình Dương như: ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương... khi mở mã ngành đều chú trọng làm sao có thể liên thông lên bậc học cao hơn. Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương mở liên thông từ TC lên CĐ cho 4 ngành với 400 chỉ tiêu, Trường ĐH Bình Dương hiện là trường duy nhất tại Bình Dương đào tạo liên thông từ TCCN lên ĐH với 3 ngành đào tạo là Kế toán, Quản trị kinh doanh và Tin học. Trường ĐH Thủ Dầu Một cũng mở liên thông 6 ngành...
Các chuyên ngành đào tạo liên thông đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc triển khai đào tạo liên thông tại các trường đang gặp không ít khó khăn. Mấy năm gần đây, các lớp liên thông rất khó tuyển sinh. Theo nhiều nhà quản lý giáo dục ở Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến tuyển sinh liên thông của các trường gặp khó khăn là vì còn vướng nhiều quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được tham gia thi tuyển ngay sau khi tốt nghiệp, ngoài ra còn được cộng thêm từ 1 - 2 điểm, do hiệu trưởng các trường quyết định. Người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo từ 1 năm trở lên thì mới được thi tuyển. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ TC lên trình độ ĐH, người có bằng tốt nghiệp TC phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Các học sinh tốt nghiệp TC muốn thi liên thông lên CĐ phải thi 2 môn cơ bản và một môn cơ sở ngành. Đối với những sinh viên tốt nghiệp CĐ liên thông lên ĐH, các TS phải tham gia một kỳ thi tuyển 2 môn gồm môn cơ sở ngành (hoặc tiếng Anh) và một môn kiến thức ngành...
Trong khi , nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp TC, CĐ đều có nguyện vọng tiếp tục học lên cao hơn nhưng vì tốt nghiệp loại trung bình nên phải chờ sau một năm. Nhưng sau một năm kiếm được việc làm ổn định, các em rất khó có cơ hội quay lại trường để tiếp tục học liên thông. Bên cạnh đó, nếu gián đoạn một thời gian khá dài mới được tiếp tục thì kiến thức của người học tất nhiên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc học.
Hơn 5 năm trôi qua, kể từ khi Luật Giáo dục quy định chương trình giáo dục phải bảo đảm tính liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống GD-ĐT của Việt Nam, nhưng những học viên các trường nghề vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trên con đường liên thông lên bậc ĐH. Hiện có rất nhiều học sinh tốt nghiệp các trường CĐ, TC nghề có nhu cầu được học lên bậc ĐH. Tạo điều kiện cho họ được học liên thông cùng với việc công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập là điều cần thiết. Thiết nghĩ, để rộng đường cho học sinh được học liên thông, Bộ GD-ĐT nên ban hành những thông tư mới phù hợp thực tế để người tốt nghiệp TC hoặc CĐ trung bình - khá được dự thi học liên thông ngay, thay vì phải mất thêm 1 năm vì còn phải qua một kỳ thi tuyển. Mặt khác cũng nên khuyến khích những người tốt nghiệp CĐ loại giỏi, xuất sắc được tuyển thẳng hoặc cộng điểm thưởng khi thi vào ĐH.
NGỌC THANH