Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công: Siết chặt quản lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
(BDO) Sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”, trên địa bàn tỉnh đã xảy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghi liên quan đến sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng trong tỉnh đang triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công (RTC).
Rượu thủ công được bán có khi không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Người dân mua rượu “nhà nấu” từ một tiệm tạp hóa ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An
Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy một số vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân ban đầu có liên quan đến rượu “nhà nấu”, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể tại TP.Thủ Dầu Một có 3 trường hợp; các địa phương như Bắc Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và TX.Tân Uyên mỗi địa phương có 1 trường hợp. Đáng chú ý là ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một có 2 trường hợp làm việc ở phường Tân Định, TX.Bến Cát phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu trong tiệc nhậu với đồng nghiệp.
Theo đó vào ngày 17-10, 2 người này tổ chức ăn nhậu cùng 2 nam đồng nghiệp khác, trong bữa ăn có sử dụng chung thức uống là rượu đựng trong can khoảng 10 lít được khách hàng tặng. Mỗi người đã uống khoảng 330ml rượu. Sau tiệc nhậu có 2 trong 4 người phải cấp cứu, 1 người phụ nữ 23 tuổi tử vong. Trước đó vào ngày 15-10, một thanh niên mua 1 lít rượu chuối hột màu vàng ở quán tạp hóa nhậu chung với 4 người để mừng sau những ngày TP.Thuận An thực hiện “khóa chặt, đông cứng” nhằm phòng, chống dịch bệnh. Sau bữa nhậu, 4 người phải nhập viện cấp cứu vì có biểu hiện ngộ độc rượu, trong đó một thanh niên 35 tuổi tử vong tại bệnh viện.
Nghị định 17/2020/ NĐ-CP ngày 5-2-2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương nêu rõ: Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại nghị định này. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất RTC có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất. Khi phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy. |
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế, đa số trường hợp nhập viện sau khi ăn uống đều sử dụng loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ bán ở quán tạp hóa nhỏ lẻ hoặc được cho, tặng. Trong khi đó theo bác sĩ Âu Văn Phương, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế TP.Thuận An, khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra các vụ việc ngộ thực phẩm có liên quan đến việc sử dụng rượu, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng lấy mẫu để xác định nguyên nhân. Qua xác minh ban đầu, rượu mà các nạn nhân mua về sử dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ ghi trên nhãn hiệu là địa chỉ “ma”, số điện thoại cũng không tồn tại hoặc không liên lạc được. “Do đó khi sử dụng rượu, người dân cần lựa chọn sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua rượu trôi nổi, không có nhãn hiệu để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Phương khuyến cáo.
Khuyến cáo của bác sĩ Phương là có căn cứ khi gần đây lực lượng công an đã phát hiện một cơ sở sản xuất rượu giả bằng cách dùng hóa chất không rõ nguồn gốc pha chế với cồn và sử dụng nhãn hiệu rượu của đơn vị được cấp phép nhằm qua mặt người tiêu dùng. Vào ngày 29-8, Công an TP.Thuận An tiến hành kiểm tra phòng trọ trong khu dân cư Việt Sing thuộc KP.4, phường An Phú do ông Lê Đức Hòa (SN 1978, ngụ TX.Tân Uyên) thuê ở. Tại đây, lực lượng công an phát hiện ông Hòa sản xuất rượu nhãn hiệu “Hòa Phát” với 2 sản phẩm là rượu gạo và rượu chuối hột. Công an đã thu giữ hơn 1.000 chai rượu (loại 0,5kg/chai), 300 lít cồn cùng một số hóa chất không rõ nguồn gốc và nhiều tang vật liên quan.
Qua làm việc, ông Hòa khai nhận chính là người sản xuất số rượu trên. Ông thuê 2 phòng trọ để làm nơi sản xuất rượu với quy trình sử dụng cồn pha với dung dịch phụ gia và đóng gói vào chai dán nhãn lên để bán ra thị trường. Ông Hòa không xuất trình được tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như tài liệu xác thực về chất lượng của sản phẩm. Đối với nhãn hiệu “Hòa Phát”, để được khách hàng tin tưởng mua hàng, ông Hòa đã tự ý sử dụng địa chỉ và số giấy phép tiêu chuẩn của một đơn vị khác để in lên tem nhãn. Công an TP.Thuận An đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xác minh xử lý theo quy định.
Cần siết chặt công tác quản lý
Theo tìm hiểu của P.V, các loại rượu kinh doanh nhỏ lẻ trên thị trường chủ yếu là loại rượu được sản xuất bằng phương pháp thủ công. RTC chủ yếu do các hộ dân tự làm, chất lượng được đánh giá thông qua truyền miệng là “ngon” mà ngó lơ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Phần lớn các hộ này đều sản xuất quy mô nhỏ, khu vực chưng cất rượu thường tận dụng nơi sinh hoạt gia đình, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi nguyên liệu đầu vào và loại men ủ rượu hầu hết mua sẵn trên thị trường, không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Theo thông tin từ Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, đơn vị chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất rượu được cấp giấy phép hoạt động và có quy mô sản xuất trên 3 triệu lít rượu/năm; đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh RTC quy mô nhỏ được phân cấp cho địa phương quản lý và cấp giấy phép sản xuất.
Hiện các địa phương đang gặp khó khăn trong việc thống kê, quản lý các cơ sở sản xuất RTC. Nguyên nhân do phần lớn số hộ nấu RTC nằm rải rác trong các khu dân cư, dẫn đến việc quản lý của các cơ quan chức năng như giám sát, kiểm tra hàm lượng etanol, methanol... trong rượu và việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khó thực hiện.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế thấp nhất ngộ độc rượu xảy ra, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu nói chung và RTC nói riêng. Đồng thời rà soát, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu và hướng dẫn chi tiết các thủ tục hành chính cần thiết để cấp phép sản xuất, kinh doanh RTC. Các ngành chức năng cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh để quản lý tốt chất lượng sản phẩm RTC; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm.
Trước tình trạng ngộ độc rượu tăng đột biến sau giãn cách xã hội, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Công thương tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm rượu và đồ uống có cồn để hạn chế tối đa những vụ việc tương tự. Ngay sau đó Sở Công thương đã gửi văn bản đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố, Cục Quản lý thị trường triển khai thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, RTC, các sản phẩm rượu và đồ uống có cồn không có nhãn mác, xuất xứ… để chủ động phòng ngừa ngộ độc rượu, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người tiêu dùng. Đồng thời, Sở Công thương đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: “Sau khi nhận được văn bản của Sở Công thương, đơn vị đã xây dựng và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ và đồ uống có cồn trên địa bàn. Trước đây, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh rượu để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”. |
NGUYỄN HẬU