Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: Trần Huỳnh Duy Thức và các đồng phạm lãnh 33 năm tù
Ngày 20-1, TAND TPHCM đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đối với 4 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức (SN 1966, ngụ quận Tân Bình TPHCM), Nguyễn Tiến Trung (SN 1983, ngụ quận Tân Bình TPHCM), Lê Công Định (SN 1968, ngụ quận 7 TPHCM) và Lê Thăng Long (SN 1967, ngụ TP Hà Nội).
Theo cáo trạng do đại diện VKSND TPHCM được VKSND tối cao ủy quyền giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa công bố, Lê Công Định tham gia cái gọi là “Đảng dân chủ Việt Nam” – tổ chức có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân – và được phân công nghiên cứu, soạn thảo chỉnh sửa “Tân Hiến pháp” để sử dụng thay thế Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam sau khi chính quyền bị lật đổ. Trước khi bị bắt, Định đã làm ra 33 tài liệu, tàng trữ 24 tài liệu và 32 cuốn sách có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước.
Còn Trần Huỳnh Duy Thức là người chủ mưu thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn” vào cuối năm 2005, lôi kéo một số người tham gia nhằm thay đổi chế độ. Ngoài ra, trên 3 blog “Trần Đông Chấn”, “Psonkhanh”, “Change we need”, Thức cho đăng nhiều bài có nội dung xuyên tạc, chống đối sự lãnh đạo của Đảng và đường lối điều hành của Chính phủ.
Không chỉ vậy, Thức và Định còn chịu trách nhiệm thành lập, cầm đầu tổ chức chống Nhà nước có tên gọi “Đảng Xã hội Việt Nam”, “Đảng Lao động Việt Nam” để tập hợp lực lượng cho “Đảng Dân chủ Việt Nam”. Sau một thời gian tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn”, Lê Thăng Long tách riêng và thành lập “Phong trào chấn hưng nước Việt”, lập website “ChanhungnuocViet.info” và các câu lạc bộ như “Câu lạc bộ người cao tuổi chấn hưng nước Việt”, “Câu lạc bộ nhà báo chấn hưng nước Việt”; viết bài có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tham gia “Đảng dân chủ Việt Nam”, Nguyễn Tiến Trung làm ra 50 loại tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; cùng một số du học sinh thành lập tổ chức “Tập hợp thanh niên dân chủ” để thực hiện nhiều hoạt động chống phá Nhà nước.
Trần Huỳnh Duy Thức và đồng phạm nhận tội tại tòa.
Tại phiên tòa, hai bị cáo Định và Trung thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đã vi phạm pháp luật, nguyên nhân là do các bị cáo tiếp thu các quan điểm sai trái về “dân chủ”, “nhân quyền” của các thế lực thù địch chống CNXH và sự nhìn nhận chủ quan về các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội. Riêng hai bị cáo Thức và Long khai báo quanh co, chối tội, cho rằng hành vi của mình chỉ nhằm mục đích chấn hưng đất nước. Tuy nhiên, với những chứng cứ có trong hồ sơ và từ lời khai của các bị cáo khác cho thấy Thức và Long đã có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo nhận định của HĐXX, đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia. Hoạt động của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối câu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “bất bạo động”. Để thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Internet để làm ra, tàng trữ các tài liệu có nội dung chống Nhà nước, phát tán cho nhiều người đọc nhằm xuyên tạc, kích động gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, HĐXX cũng xem xét các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội do phần nào bị sự lôi kéo của các thế lực thù địch với Nhà nước CHXHCN Việt Nam, gia đình 3 bị cáo Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long có công với cách mạng, từ đó tuyên phạt bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, bị cáo Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, bị cáo Lê Công Định 5 năm tù, bị cáo Lê Thăng Long 5 năm tù cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngoài ra, các bị cáo còn bị phạt quản chế từ 3 năm đến 5 năm.
Theo SGGP