Hoạt động nghiên cứu khoa học: Nhiều đề tài ứng dụng vào thực tiễn

Thứ sáu, ngày 20/12/2019

(BDO)  Thực hiện chủ trương phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua hoạt động nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ (NCKH-PTCN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng trong năm 2019, nhiều đề tài NCKH-PTCN có tính ứng dụng cao đã được nghiệm thu đưa vào đời sống, sản xuất, góp phần phục vụ công tác quản lý cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một nghiên cứu đề tài khoa học. Ảnh: TIỂU MY

 Xây dựng nền tảng văn hóa

 Năm 2019, Sở KH&CN đã công nhận kết quả và bàn giao 9 kết quả nghiên cứu cho các đơn vị thụ hưởng. Đa số các đề tài nghiên cứu đều có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Cụ thể như đề tài nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cảnh quan khu vực bờ đông sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương thành điểm nhấn bản sắc văn hóa Bình Dương.

Theo đó, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, đô thị Thuận An, đô thị Thủ Dầu Một, đô thị Nam Bến Cát đã được phê duyệt, đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch kiến trúc sông nước và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bờ đông sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, đề tài đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị một số không gian truyền thống của khu vực bờ đông sông Sài Gòn (chợ ven sông, vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công truyền thống…); bảo tồn, phát huy giá trị một số công trình kiến trúc đặc thù khu vực bờ đông sông Sài Gòn; các giải pháp quy hoạch và quản lý một số không gian du lịch mới... Đề tài đã được chuyển giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành chức năng để phục vụ công tác quản lý.

Một đề tài khác liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch - kiến trúc cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương trong tương lai. Đề tài nhằm mục tiêu phát triển nhiều cộng đồng ở và làm việc phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau nhằm đem lại lợi ích chiến lược, là phát triển bản sắc riêng đa dạng cho các khu vực, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đô thị của tỉnh. Đề tài đã khảo sát hiện trạng; phân tích đánh giá thực trạng về các yếu tố tạo lập bản sắc đối với từng khu vực đặc thù của Bình Dương; đề xuất và ứng dụng các giải pháp tạo lập bản sắc Bình Dương vào từng cộng đồng đặc trưng cụ thể.

Chú trọng nguồn nhân lực, con người

Trong số các đề tài nghiên cứu được sở KH&CN công nhận, chuyển giao có nhiều đề tài liên quan đến đời sống người dân, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, việc làm... rất phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh. Cụ thể như đề tài đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, định hướng xã hội hóa trong thời gian tới; đề xuất các nhóm giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa và các giải pháp cụ thể.

Hay như Đề tài Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được nghiên cứu nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận về nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động. Trong đó, đề tài tập trung phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết năm 2020, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp, sở tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, sở chú trọng phát triển tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Sở cũng tăng cường gắn kết các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, sở, ngành để đặt hàng các nhiệm vụ NCKH-PTCN; đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ NCKH-PTCN trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tập trung phát triển cả về số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, bảo đảm hoạt động NCKH- PTCN ngày càng khẳng định được tính ứng dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Hiện nay, thách thức trước mắt đặt ra đối với tỉnh là vấn đề nguồn nhân lực. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần tiếp tục hành động, huy động các nguồn lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động quản lý có trình độ đáp ứng yêu cầu mới... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ giao Sở KH&CN chủ trì cùng với các viện, trường, cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu.

 TRÍ DŨNG