Hoạt động in và phát hành ở Bình Dương: Cần quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự và bảo vệ môi trường

Thứ hai, ngày 31/08/2015

(BDO) Nhằm thực hiện văn bản số 281/CXBIPH-TTPC ngày 19-1-2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản, in và phát hành, vừa qua Sở TT&TT tỉnh đã tổ chức triển khai các quy định mới cho các cơ sở hoạt động in và phát hành trên địa bàn Bình Dương. Vấn đề bảo đảm điều kiện an ninh trật tự và bảo đảm điều kiện môi trường trong hoạt động in là hai trong số các nội dung được các cơ sở hoạt động trong ngành in đặc biệt quan tâm tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Lam Giang, Phó Trưởng phòng Báo chí, Xuất bản, Bộ TT&TT triển khai những quy định mới đối với hoạt động in và phát hành

Không thể thả nổi hoạt động in ấn, phát hành

Theo thống kê mới nhất từ phía Sở TT&TT tỉnh, hiện toàn tỉnh có 326 cơ sở hoạt động ngành in, trong đó có 21 doanh nghiệp (DN) in xuất bản phẩm, báo chí do sở này cấp giấy phép hoạt động; 281 DN đăng ký hoạt động kinh doanh ngành in với sản phẩm in chủ yếu là bao bì, in tem chống giả, in nhãn hàng hóa, in hóa đơn tài chính, in nội bộ của DN… và hàng trăm cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động photocopy, in lụa, in laser, in kỹ thuật số với sản phẩm in chủ yếu là các loại giấy tờ, biểu mẫu văn phòng, danh thiếp… Các DN được đầu tư máy móc và trang thiết bị hiện đại góp phần đáp ứng nhu cầu về ấn phẩm in của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung với chất lượng ngày càng cao. Do đó, hoạt động in và phát hành cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; người tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành in ấn và phát hành cần phải có sự am hiểu các quy định của Nhà nước về lĩnh vực mình đang hoạt động, từ đó thực hiện và chấp hành tốt các quy định do Nhà nước ban hành, góp phần tích cực vào việc phát triển ngành in và phát hành trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh, cho biết: “Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2012 và nhiều văn bản quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản được ban hành và có hiệu lực đã mở ra cơ chế mới, tạo sự phát triển mạnh mẽ và đúng định hướng cho các DN hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Trong đó, hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm là hai khâu quan trọng trong toàn bộ hoạt động xuất bản. Đây còn là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, là lĩnh vực góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế - văn hóa - xã hội cũng như giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh của địa phương nói riêng và cả nước nói chung”.

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã triển khai một số văn bản liên quan đến hoạt động in và phát hành như: Những quy định mới của Nhà nước đối với hoạt động in và phát hành; một số quy định về cam kết bảo vệ môi trường đối với hoạt động in; quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với hoạt động in; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xuất bản... Theo chia sẻ của đại diện một số cơ sở in, phát hành trên địa bàn tỉnh thì buổi tập huấn thật sự hữu ích vì qua đây họ có cơ hội được trang bị, cập nhật thêm thông tin thiết thực, bổ ích cho DN, cơ sở giúp đơn vị hoạt động và kinh doanh đúng chủ trương, chính sách của pháp luật.

Tạo điều kiện tốt nhất cho DN

Trao đổi về điều kiện an ninh trật tự (ANTT) đối với hoạt động in, thiếu tá Nguyễn Hoàng Dương, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT và con dấu, Phòng Cảnh sát PC64, Công an tỉnh, cho biết theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh có khoảng 326 DN và trên 700 hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh nghề in. Hiện tại Công an tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT cho 49 DN (chiếm tỷ lệ 10%) và tại công an cấp huyện, thị là 100 cơ sở. Những hoạt động liên quan đến lĩnh vực in ấn trước khi tiến hành kinh doanh phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT bao gồm: Chế bản in, in, gia công sau in và photocopy màu.

Cũng theo ông Dương thì để được hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để hoạt động kinh doanh, các cơ sở, DN có thể liên hệ tại Phòng PC64, Công an tỉnh. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan công an có thẩm quyền phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đủ điều kiện thì cơ quan công an phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do. Phí cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính là 300.000 đồng/lần thẩm định”.

 NGUYỄN TRÌNH CAO SƠN, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường:

Việc ban hành những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động in là rất cần thiết vì quá trình in ấn có phát sinh một số nguồn ô nhiễm đặc thù như hơi dung môi, khí thải, chất thải rắn và nước thải sản xuất phát sinh từ việc rửa bản in... vì vậy việc ban hành các quy định pháp luật về BVMT nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của DN trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

Theo quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29-5-2015 thì đa số các cơ sở in và phát hành trên địa bàn Bình Dương thuộc đối tượng quản lý môi trường của cấp huyện. Theo quy định trên, các cơ sở in và phát hành trước khi đi vào hoạt động phải lập bản kế hoạch BVMT gửi về UBND cấp huyện để kiểm tra xác nhận. Trong vòng 10 ngày làm việc, cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ ra thông báo xác nhận bản kế hoạch BVMT đối với hồ sơ hợp lệ (trường hợp DN nằm trong KCN thì nộp về Ban Quản lý các khu công nghiệp để được kiểm tra, xác nhận bản kế hoạch BVMT; DN nằm trong KCN VSIP thì nộp về Ban Quản lý VSIP để được kiểm tra, xác nhận bản kế hoạch BVMT).

Cũng cần lưu ý thêm, quy định trên chỉ áp dụng đối với các DN chưa đi vào hoạt động sản xuất. Trường hợp các cơ sở in và phát hành đã đi vào hoạt động sản xuất mà chưa lập bản kế hoạch BVMT thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là lập Đề án BVMT giản đơn theo đúng quy định tại Thông tư số 26/2015/ TT-BTNMT ngày 28-5-2015 của Bộ TN&MT, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng được phân cấp như trên, đối với DN nằm ngoài khu công nghiệp thì nộp về UBND cấp huyện để được kiểm tra xác nhận, (trường hợp DN nằm trong KCN thì nộp về Ban Quản lý các khu công nghiệp để được kiểm tra, xác nhận bản kế hoạch BVMT; DN nằm trong KCN VSIP thì nộp về Ban Quản lý VSIP để được kiểm tra, xác nhận bản kế hoạch BVMT).

 

 TÂM TRANG