Hoạt động hội chợ bị biến tướng: Cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm và hợp tác sản xuất, kinh doanh, do đó luôn được sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm và vui chơi giải trí. Thế nhưng, trong thời gian gần đây một số hội chợ đã biến tướng... Thảy bóng tại một hội chợ ca nhạc
Từ hội chợ thương mại
Hội chợ trá hình thường tổ chức ở một số nơi có đông công nhân lao động, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số hội chợ về Bình Dương tổ chức được treo băng rôn quảng cáo giới thiệu nghe thật hoành tráng: “Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng”, “Tuần lễ mua sắm” và đi kèm theo đó là chương trình ca nhạc đặc biệt hàng đêm do một số ngôi sao ca nhạc ở TP.HCM về luân phiên biểu diễn... Để tìm hiểu hình thức các loại hội chợ này vào ngày 19-12-2011, chúng tôi đến hội chợ được tổ chức ở TX.Dĩ An. Trước ngày khai mạc, hội chợ được treo băng rôn dọc hai bên đường ở TX.Dĩ An quảng cáo rầm rộ: “Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng” và đi kèm theo những dòng chữ quảng cáo “đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng” nhân dịp lễ, tết 2012. Khi bước vào cổng chính, gian hàng đầu tiên được trưng bày là những bộ ghế gỗ thật hoàng tráng và tiếp theo nhiều gian hàng bày bán những mặt hàng thời trang như áo, quần, giày, dép... Đi thêm những bước chân không xa chúng tôi thật bất ngờ và nhẩm tính không dưới 20 gian hàng tổ chức những trò chơi ném vòng trúng thưởng, thẩy banh trúng rổ, bóc hộp vàng, bắn súng, phóng phi tiêu...
Tại huyện Bến Cát, hội chợ thương mại hàng tiêu dùng do Công ty A.V được tổ chức vào giữa tháng 12-2011 thì cũng chẳng khác nào hội chợ đang tổ chức tại TX.Dĩ An. Băng rôn treo quảng cáo dọc hai bên quốc lộ 13 nhìn rất ấn tượng. Trước ngày khai mạc, nhiều người mong đợi sẽ có dịp mua sắm hàng hóa tốt và giá cả phải chăng. Nhưng khi khách hàng vào hội chợ hoàn toàn thất vọng bởi các loại hàng hóa không theo ý muốn, bên trong nhiều gian hàng ăn uống và hơn 15 gian hàng trò chơi được bố trí gần sân khấu. Vào ban đêm, khách hàng đi ngang qua các gian hàng trò chơi đều inh tai, nhức óc bởi gian hàng nào cũng mở loa hết công suất để chào mời khách. “Thất vọng quá! Thấy băng rôn treo theo đường rồi xe đi tuyên truyền “hội chợ thương mại” nghe thật rầm rộ nhưng khi vào trong thì hàng hóa kém chất lượng, gian hàng trò chơi “núp bóng” để ăn thua cờ bạc nhiều quá”, một khách hàng than phiền.
Đến hội chợ ca nhạc
Dạo quanh một hội chợ ca nhạc khác, đêm cuối tuần thu hút hàng trăm thanh niên công nhân. Hình thức hoạt động của hội chợ ca nhạc là vào cửa miễn phí, phục vụ ca nhạc giải trí và các trò chơi dân gian, nhưng thực tế hội chợ ca nhạc này cũng “biến tướng” là nơi cờ bạc trá hình. Hội chợ ca nhạc thường được tổ chức những nơi đất trống và có đông công nhân lao động. Hội chợ ca nhạc có 1 sân khấu được thiết kế sơ sài và xung quanh là các gian hàng trò chơi như lô tô, bầu cua...
Khoảng 21 giờ, chúng tôi vào hội chợ ca nhạc tràn ngập gian hàng gồm những trò chơi đỏ đen như quay vòng. MC là một chàng pê đê giới thiệu ngôi sao ca nhạc trẻ phục vụ cho khán giả tối nay là ca sĩ Đa Đa. Màn diễn của Đa Đa vừa dứt, MC rao bán giấy xổ số lô tô giá 5.000 đồng một tờ, ai trúng thưởng được 100.000 đồng. Còn những gian hàng cờ bạc phía dưới sân khấu, gian hàng “trò chơi” ăn tiền như rút thăm trúng thưởng, quay hai màu đen đỏ, quay Tề Thiên Đại Thánh... tập trung rất đông người. Giọng người quản trò cứ oang oang mời gọi: “Quý vị hãy ghé vào đây giải trí, vừa vui chơi lại vừa được thưởng. Nếu bây giờ chưa may mắn thì lát nữa sẽ may mắn...”. Lời mời vừa dứt thì có đông thanh niên chen lấn vào đặt những tờ giấy bạc, trong đó chúng tôi để ý đến một người phụ nữ. Mỗi lần chị ta quay lại chơi và trúng thưởng thì người quản trò cố ý nói to rằng chị ta may mắn để kích thích mọi người bỏ tiền ra mua. Thật là khó hiểu vì chỉ có duy nhất chị ta là người may mắn (!?). Và qua tìm hiểu, chị chính là người làm “mồi” để dẫn dụ những người khác.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp đang thu hút hơn 700.000 lao động nên nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng này rất cần được quan tâm. Việc tổ chức các chương trình hội chợ thương mại và hội chợ ca nhạc đưa hàng hóa đến tay người lao động và tạo ra sân chơi lành mạnh để người dân, những công nhân và người lao động có điều kiện tham quan, mua sắm và giải trí rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số hội chợ tổ chức đã núp bóng bán những mặt hàng chưa bảo đảm chất lượng; bày các trò cờ bạc đỏ đen ăn thua để móc túi khách đến đây. Vì vậy các ngành chức năng cần phải cân nhắc kỹ trước khi cấp phép và khi diễn ra hội chợ cần phải đi kiểm tra và chấn chỉnh ngay các hình thức hội chợ cờ bạc.
P.V