Hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc các cấp: Tháo gỡ vướng mắc để hiệu quả hơn
Hoạt động giám sát (GS) và phản biện xã hội (PBXH) đã được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định nên kết quả đạt được chưa cao.
Việc đẩy mạnh thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã An Bình (Phú Giáo) thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của MTTQVN xã An Bình. Ảnh: C.SƠN
Nhiều cố gắng trong hoạt động giám sát
Trong hoạt động GS, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Tại Bình Dương, trong thời gian qua, hoạt động GS đã được MTTQ các cấp chú trọng, các hoạt động này đã có những đóng góp nhất định vào tiến trình phát triển của địa phương. Ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, cho biết hoạt động GS được cụ thể hóa bằng các hoạt động của Ban GS đầu tư cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân. Hàng năm, các Ban Thanh tra nhân dân đều xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động GS theo quy định của pháp luật và triển khai đến các thành viên; các Ban Thanh tra nhân dân đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, phối hợp tích cực với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân. Ban GS đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn chủ yếu GS các công trình như xây dựng trụ sở ban điều hành khu, ấp, làm đường giao thông nông thôn và những công trình do địa phương làm chủ đầu tư.
Bên cạnh những kết quả làm được, theo ông Đình, do những yếu tố tác động chủ quan và khách quan, trong thời gian qua, hoạt động GS của MTTQ các cấp trong tỉnh chưa được thực hiện một cách bài bản do chưa có cơ chế cụ thể. Trong khi đó, hoạt động tự GS của MTTQ còn ít, chủ yếu là tham gia với các cấp, các ngành khác. Bên cạnh đó, do cơ chế phối hợp GS còn thiếu chặt chẽ nên kết quả chung chưa cao, chưa thống nhất trong giải quyết các vấn đề; chưa có các quy định cụ thể nên hoạt động của Ban GS đầu tư cộng đồng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng trên là do kinh phí hoạt động còn eo hẹp, đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ chuyên môn; vai trò của Ban GS đầu tư cộng đồng tại một số địa phương chưa được đánh giá cao.
Ông Ngô Xuân Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phú Lợi (TP. TDM), cho biết hiện Ban Thanh tra nhân dân của phường có 11 thành viên, chủ yếu là cán bộ hưu trí nên có năng lực chuyên môn. Với các công trình do UBND phường làm chủ đầu tư, việc GS của Ban Thanh tra nhân dân phường thường diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao, nếu phát hiện các sai phạm, thiếu sót đều có kiến nghị lên chủ đầu tư và đơn vị thi công. Những công trình kiểu này, chủ đầu tư, đơn vị thi công thường tiếp thu và chỉnh sửa nhanh chóng. Tuy nhiên, với các công trình do thành phố, tỉnh làm chủ đầu tư, hoạt động GS của Ban Thanh tra nhân dân của phường thường không đạt hiệu quả do không được tạo điều kiện để GS. “Chúng tôi có rất ít thông tin về các công trình kiểu này. Điển hình như công trình trường Tiểu học Phú Lợi, trường Mẫu giáo Đoàn Thị Liên, đường Bùi Văn Bình. Với một số công trình, chúng tôi đã có những kiến nghị đóng góp nhưng vẫn chưa được trả lời. Một số công trình chủ đầu tư có tiếp thu ý kiến, có chỉnh sửa nhưng chưa đạt các yêu cầu theo ý kiến chung của nhân dân”, ông Khanh nói.
Phản biện chưa nhiều
PBXH nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Đình, MTTQVN tỉnh rất khuyến khích hoạt động này nhưng thời gian qua, các tổ chức, nhân sĩ, trí thức đóng góp ý kiến chỉ bằng cách gửi thư hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa thành lập được Hội đồng phản biện. “Theo tôi, trong thời gian tới, hoạt động phản biện cần tập trung phản biện một số vấn đề có tác động lớn đến đời sống nhân dân, trong đó có cả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, ông Đình cho biết.
Hoạt động GS và phản biện là công tác rộng lớn. Nếu làm tốt công tác này sẽ có tác động lớn trong việc mở rộng dân chủ, người dân sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến nhiều hơn vào các vấn đề lớn của đất nước. Để có thể phát huy hiệu quả các hoạt động này, thời gian tới, những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục một cách triệt để như về kinh phí, lực lượng cán bộ, các cơ chế phối hợp cụ thể với các ban, ngành khác…
ĐÀ BÌNH