Hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng tăng trưởng mạnh

Thứ sáu, ngày 02/04/2021

(BDO) Giảm dần sự phụ thuộc vào cho vay, thay vào đó thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phi truyền thống đã trở thành một trong những xu hướng để các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động hiệu quả.

 Tăng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ sẽ đem lại lợi nhuận bền vững, giảm thiểu rủi ro, giúp hoạt động của ngành ngân hàng lành mạnh hơn. Trong ảnh: Giao dịch tại BIDV Bình Dương

 Đa dạng sản phẩm dịch vụ

Theo các chuyên gia ngành tài chính ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản... khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cũng khiến nguồn thu của các ngân hàng bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã phải cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ, liên kết phân phối bảo hiểm, tập trung đa dạng hóa sản phẩm, chạy đua phát triển mảng dịch vụ để tăng dần tỷ trọng nguồn thu, bảo đảm tăng trưởng an toàn.

Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - chi nhánh Bình Dương (BIDV Bình Dương), tăng thu dịch vụ là mục tiêu chiến lược của toàn ngành. Muốn tăng nguồn thu từ dịch vụ phải có thời gian và chiến lược đầu tư bài bản. Năm 2020, hệ thống BIDV đã ghi dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, phí hành chính công, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, kết nối thu hộ và thanh toán hóa đơn cho khối trường học... Triển khai thành công cổng thanh toán trực tiếp kết nối hệ thống kế toán, hệ thống của khách hàng tổ chức với hệ thống ngân hàng điện tử BIDV ibank, đây là những dịch vụ rất ưu việt.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Bình Dương, cho biết những năm gần đây Vietcombank đã có sự cải tiến liên tục về mặt công nghệ đối với kênh giao dịch. Trong đó, là việc nâng cấp, bổ sung các chức năng trên kênh giao dịch Internet Banking với tính bảo mật cao, giúp các giao dịch chuyển tiền được thực hiện thông suốt cho dù chủ tài khoản đang ở bất cứ nơi đâu. Đây là một trong những ưu thế của Vietcombank trong việc tiếp cận khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài.

Quả ngọt

Nhờ tích cực đầu tư và chuyển hướng hoạt động sang dịch vụ phi tín dụng, thời gian qua nhiều NHTM thu hái “quả ngọt”. Cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng đã cải thiện mạnh mẽ, tỷ lệ phụ thuộc vào tín dụng giảm bớt, tỷ trọng thu ngoài lãi tăng lên. Đơn cử, đối với hệ thống BIDV Bình Dương, khách hàng tổ chức tăng trưởng tốt, đạt mốc 323.000 vào cuối tháng 2-2021. Ngoài ra, BIDV Bình Dương còn là đơn vị điển hình đạt các chỉ tiêu kinh doanh về dịch vụ như thu ròng, thu kinh doanh ngoại tệ và phái sinh, bảo hiểm…

Tại Vietcombank Bình Dương, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chăm sóc khách hàng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã giúp tăng mới khách hàng, đưa tổng số khách hàng khối doanh nghiệp này tăng lên gần 650 khách hàng trong năm 2020. Bên cạnh đó, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 23%, doanh số thanh toán quốc tế tăng 5%, số thẻ tín dụng quốc tế tăng ròng tăng 37%, thẻ ghi nợ quốc tế tăng ròng tăng 2,8 lần, thẻ ghi nợ nội địa tăng 9%…

Có thể thấy, phát triển các sản phẩm dịch vụ đang là nguồn thu an toàn và ổn định cho các ngân hàng. Mặc dù vậy, tỷ trọng thu từ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng trong nước còn khá thấp so với hệ thống NHTM nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các ngân hàng nước ngoài, cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các ngân hàng cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, phát triển nhiều sản phẩm công cụ tài chính, thanh toán… Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải chịu sự cạnh tranh trong lĩnh vực huy động vốn, cho vay khi các công ty tài chính, công ty cho vay ngày càng mở rộng. Vì thế, các ngân hàng cần có sự thích nghi, tự thay đổi dịch vụ đầu tư cũng như có chiến lược hợp tác hợp lý… mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng, lành mạnh.

 THANH HỒNG