Hoạt động của hệ thống y tế công lập: Tự chủ nhưng chưa tự quyết
(BDO) Hiện nay, câu chuyện tự chủ tài chính khiến cho nhiều đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh gặp khó trong hoạt động. Đặc biệt, các đơn vị tự chủ tài chính nhưng không được tự quyết cơ chế quản lý bộ máy biên chế. Điều này đã tạo nên sức ỳ lớn, không khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế nơi đây.
Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Thu không đủ chi
Đây là tình trạng các đơn vị sự nghiệp y tế công trên địa bàn tỉnh đang vướng phải khi thực hiện cơ chế tự chủ. Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Y tế, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, trong đó khối điều trị tự chủ hoàn toàn. Những năm qua, lượng bệnh nhân đến Trung tâm Y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế liên tục giảm do không thể cạnh tranh các dịch vụ kỹ thuật cao với các bệnh viện tư nhân. Nhiều Trạm Y tế phường liên tục nhiều ngày không có bệnh nhân đến khám, tiền công khám chỉ với giá 27.500 đồng/lượt/người.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Trung tâm được phân cấp quản lý sức khỏe cán bộ trung cao. Đối tượng đăng ký khám chữa bệnh (KCB) đa số là người nghèo, đối tượng chính sách, người cao tuổi bị bệnh mãn tính, điều trị dài ngày nên rất cần kết hợp các nhóm thuốc có chi phí cao. Việc kê đơn toa thuốc có chi phí cao tăng dẫn đến vượt quá dự toán chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) duyệt hàng năm”.
Trong khi đó, bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết thời gian qua, bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu chủ yếu của bệnh viện là từ nguồn BHYT, chiếm 90% nguồn thu của đơn vị. Nhưng hiện tại, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh còn chưa quyết toán chi phí KCB cho bệnh viện. “Bệnh viện đang ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH theo phương thức thanh toán giá dịch vụ nhưng việc xác định tổng mức thanh toán hàng năm lại kết thúc sau năm tài chính, vì vậy chi phí KCB thực chi cho người bệnh không thể cân đối, dẫn đến vượt tổng mức thanh toán khi quyết toán năm. Hiện tại đã gần hết năm 2022 nhưng phần chi phí KCB BHYT tồn đọng từ năm 2021 vẫn chưa được giải quyết. Phần chi phí này chưa quyết toán, bệnh viện không đủ kinh phí hoạt động”, bác sĩ Tài nói.
Chưa được tự quyết tổ chức bộ máy
Thực tế hoạt động của các cơ sở y tế công lập cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa tự chủ về tài chính và tổ chức bộ máy, biên chế. Đơn vị tự chủ tài chính nhưng lại chưa được tự chủ chi trả lương cho cán bộ, viên chức, người lao động. Điều này không khuyến khích được sự sáng tạo của cán bộ, viên chức, người lao động mà còn tạo sức ỳ, khó khăn cho đơn vị. “Bệnh viện chưa được tự quyết trong tổ chức bộ máy, sử dụng, bố trí cán bộ. Công tác tuyển dụng viên chức do cơ quan cấp trên thực hiện. Điều này đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị, làm ảnh hưởng hiệu quả công việc, gây áp lực cho nhân viên y tế. Thống kê từ năm 2019 đến nay, bệnh viện đã có 58 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, hộ sinh, dược xin thôi việc. Lý do đưa ra là kinh tế, thu nhập không bảo đảm để trang trải cuộc sống gia đình”, bác sĩ Dương Tấn Tài cho biết thêm.
Tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, đơn vị này chưa được giao quyền tự chủ nhân lực, công tác tuyển dụng phải thông qua Sở Y tế, kể cả tuyển nhân viên hợp đồng. Chia sẻ về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế Thuận An, cho biết sự vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính cũng đã ràng buộc sự phát triển của Trung tâm Y tế TP.Thuận An. Năm 2016, khối điều trị là bệnh viện đa khoa hạng 2 của trung tâm được giao tự chủ về kinh phí hoạt động thường xuyên, tự thu, tự chi nhưng ràng buộc đơn vị không thể tự chủ toàn diện vì bệnh viện vẫn thuộc Trung tâm Y tế thành phố.
“Hàng năm, bệnh viện phải trích lập quỹ cải cách tiền lương gồm nguồn thu viện phí trích 35% sau khi trừ chi phí trực tiếp và 40% trích thu từ các nguồn khác. Nguồn cải cách tiền lương phải trích cao nhưng lại ít sử dụng. Hiện tại, nguồn cải cách tiền lương của đơn vị còn hơn 64 tỷ đồng nhưng không thể sử dụng, trong khi nguồn quỹ khen thưởng, quỹ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế hạn hẹp, lương, chế độ đãi ngộ thấp. Đơn vị không có nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng bệnh viện hạng 2, phát triển đội ngũ y bác sĩ với chuyên môn, danh mục kỹ thuật khó, hiện đại để cạnh tranh với các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn”, bà Phương nói.
HOÀNG LINH