Hoàng gia Arập Xêút : Thừa và thiếu người kế ngôi

Thứ bảy, ngày 07/07/2012

Cái chết của Thái tử kế ngôi Nayef Bin Abdul-Aziz, người em trai khác mẹ của Vua Abdullah, hôm 16-6 vừa qua đã đặt ra vấn đề được bàn bạc suốt nhiều năm nay: Làm sao tìm người thừa kế ngai vàng trong Hoàng gia Arập Xêút một khi Vua Abdullah "rời khỏi hiện trường", vì hầu hết các Hoàng tử theo thứ tự nối ngôi đều đã ở vào tuổi 70 đến ngấp nghé 80 và "nay ốm mai đau".

Ngày 18-6, chỉ 2 ngày sau khi Thái tử Nayef qua đời, Hội đồng Hoàng gia Arập Xêút đã quyết định trao ngôi Thái tử cho Hoàng tử Salman bin Abdulaziz Al-Saud. Thông tin về việc truyền ngôi này đã được thông báo chính thức trên các phương tiện truyền thông, kịp thời xoa dịu nỗi băn khoăn trong dư luận về người thừa kế ngai vàng.

  Các Hoàng tử Arập Xêút.Năm nay 77 tuổi, Salman là em kế của Thái tử vừa qua đời Nayef và cũng là em khác mẹ của Vua Abdullah, là con trai thứ 25 của Ibn Saud, tức Vua Abdul-Aziz, nhà sáng lập Vương quốc Arập Xêút. Mẹ ông là bà vương phi đầy quyền lực Hassa al-Sudairi, nhờ đó Salman cùng các anh em mình hình thành băng phái "Sudairi 7", còn gọi là Gia tộc Sudairi (tức 7 người anh em quyền lực trong Hoàng gia Arập Xêút). Sau khi các anh là Vua Fahd, Thái tử Sultan và Thái tử Nayef qua đời, băng phái "Sudairi 7" chỉ còn lại 4 người. Vua Abdullah (con thứ 10 của Ibn Saud) là một trường hợp không thuộc băng phái "Sudairi 7", cùng cha khác mẹ nhưng được kế vị ngôi vua nhờ quyết định của Hội đồng Hoàng gia.

Là con trai của một nhân vật huyền thoại trong thế giới Arập, từ nhỏ Salman đã được đích thân cha đào tạo, huấn luyện để lớn lên trở thành người tài giỏi, lãnh đạo đất nước. Cho nên, bắt đầu từ rất sớm, khi mới 19 tuổi, Salman đã được  phong làm Tiểu vương vùng Thủ đô Arập Xêút, vào năm 1954, tức một năm sau khi vua cha qua đời. Dưới thời Vua Saud (anh thứ hai trong Hoàng gia Arập Xêút, người đầu tiên kế vị ngôi vua từ Ibn Saud, trị vì từ 1953-1964), Salman được phong làm Thống đốc tỉnh Riyadh và yên vị ở chức vụ này suốt từ năm 1955 cho đến tháng 10/2011, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng thay anh mình là Thái tử Nayef vừa qua đời.

Công lao lớn nhất của Salman trong thời gian làm Thống đốc Riyadh chính là đã biến thủ đô Arập Xêút từ một khu vực đầm lầy, hoang sơ thành một kinh đô hiện đại, sầm uất vào bậc nhất khu vực Trung Đông và thế giới. Salman đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, mạnh dạn thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đầu tư nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa đường sá. Salman đã biến Riyadh thành một đô thị hiện đại, sạch sẽ, không người ăn xin, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.

Tuy tuổi cao, nhưng Thái tử Salman được đánh giá là "cầu nối" giữa thế hệ Hoàng gia cao niên và những người trẻ tuổi, là nhịp cầu giao thoa giữa Hoàng tộc và thường dân. Trong Hoàng gia, ông luôn ở vị trí đứng giữa - được mệnh danh là "chuyên gia hòa giải" trong dòng họ. Tuy nhiên, cũng như Vua Abdullah, sức khỏe đang là vấn đề lớn có thể ngăn cản ông lên ngôi. Thời gian gần đây, ông cũng thường hay "nằm liệt giường" trong nhiều tuần lễ liền do chứng bệnh tai biến.

Và tình trạng các hoàng tử tuổi cao, sức yếu đang là vấn đề khiến cho nhiều người trong Hoàng gia Arập Xêút lo ngại. Người ta đang bàn đến việc cần phải thay đổi quy luật lập Thái tử, hạ dần số tuổi người kế vị xuống đến hàng cháu nội của Vua Abdul-Aziz, tức những người hiện nay trong độ tuổi 40, 50, 60, thậm chí 70. Kể cả việc đưa cả cháu cố, thế hệ thứ 4, của Ibn Saud vào hàng thừa kế ngôi vua cũng đang được tính đến.

Thực tế, Hoàng gia Arập Xêút có dư thừa người thừa kế ngôi vua, nếu xét toàn bộ con cháu trực hệ từ Vua Abdul-Aziz. Hơn 30 người con (Thái tử Salman là con thứ 25, ông còn một người em trong băng phái "Sudairi 7" là Ahmed, con thứ 31, có thể kế ngôi) của Ibn đang cho ra một lực lượng đông đảo thế hệ thứ 3 trong Hoàng gia, tức cháu nội của Ibn Saud, nếu chỉ tính con trai (để nối ngôi) thì cũng gần trăm người.

Một đời vua có thể kéo dài hàng chục năm (như Vua Fahd, 23 năm), nhưng cũng có thể chỉ vài năm (như Vua Abdullah, năm nay 89 tuổi, đau ốm thường xuyên, cho nên thời gian trị vì không còn lâu), hoặc như các Thái tử chưa kịp lên ngôi vua đã qua đời do tuổi cao và bệnh tật (Thái tử Sultan và Thái tử Nayef). Khi một vị vua trị vì quá lâu, người kế vị tiếp theo có thể phải chờ đến hàng chục năm, rồi người tiếp theo nữa lại phải chờ lâu hơn nữa. Từ đó, trong một thế hệ Hoàng gia chỉ có vài người có cơ hội lên ngôi vua, nhưng việc truyền ngôi, duy trì sự cai trị của Hoàng gia chắc chắn sẽ phải được bảo đảm bởi con cháu trong Hoàng tộc.

Vấn đề là cách thức chọn người để truyền ngôi, ai được truyền ngôi, ai không được,… không hề đơn giản, và đôi khi đó còn là một cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trong Hoàng gia.

Việc kế vị ngôi vua Arập Xêút không chỉ là "chuyện nội bộ" trong Hoàng gia, mà đó còn là chuyện hệ trọng của quốc gia, có ảnh hưởng đến đời sống chính trị, tốc độ thực hiện cải cách và phát triển kinh tế đất nước. Chịu ảnh hưởng từ làn sóng "Mùa xuân Arập", giới trẻ Arập Xêút đang khao khát, trông đợi những cải cách cả về kinh tế lẫn chính trị được đẩy nhanh hơn nữa, để họ sớm có cơ hội thi thố tài năng trong nhiều lĩnh vực, kể cả về chính trị.

Đa số giới trẻ Arập Xêút, trong đó có cả những cháu nội, cháu ngoại, cháu cố và chắt của Vua Ibn Saud, đặc biệt là những người không có cơ hội đứng vào hàng thừa kế ngôi vua hoặc tham gia các chức vụ cao cấp trong Chính phủ, đều đang mong muốn sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế chính trị theo hướng một thể chế Quân chủ lập hiến, tương tự như hầu hết các Hoàng gia trên thế giới hiện nay. Thậm chí, thành phần Shiite ở Arập Xêút còn kêu gọi đã đến lúc chia sẻ quyền lực, quyền lực lãnh đạo đất nước ngày nay không nên chỉ tập trung trong tay Hoàng gia Arập Xêút…

Tuy nhiên, có lẽ những vấn đề cải cách mạnh mẽ như thế phải đợi thêm một hoặc hai thế hệ lãnh đạo Hoàng gia nữa. Thế hệ thứ hai hiện nay, ngay cả người theo xu hướng cải cách như Thái tử Salman cũng không vội vàng thúc đẩy theo hướng cấp tiến ấy, vì không khéo sẽ dẫn đến sự đổ vỡ, loạn lạc như các nước Arập xung quanh.

Theo CAND